Tụ tập tại các nhà sách
Những ngày hè này, ghé qua bất cứ nhà sách quy mô nào ở TPHCM, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt mọi người là trẻ em ngồi ngổn ngang đọc sách. Tại kệ sách thiếu nhi Nhà sách Fahasa Tân Định, hàng chục em nhỏ đứng, ngồi, say sưa đọc sách. Nhân viên tại nhà sách cho biết, bắt đầu từ khi các trường cho nghỉ hè, lượng bạn đọc nhỏ tuổi đến nhà sách tăng vọt. Các em đọc từ sáng đến trưa, bố mẹ đón về ăn uống, chiều lại vào đọc tiếp. Nhiều trẻ em nhất phải kể đến Nhà sách Fahasa Nguyễn Huệ. Một nhân viên tại nhà sách tiết lộ, đa số các em có cha hoặc mẹ làm việc tại các tòa nhà văn phòng gần bên. Những ngày này do hầu hết các trường đều không nhận dạy hè trong khi đưa con vào chỗ làm rất bất tiện nên các bậc phụ huynh biến nhà sách thành nơi giữ con. Đối với những đứa trẻ, đây quả là địa điểm lý tưởng.
Câu chuyện ở các nhà sách dịp hè đặt ra một vấn đề trong việc phát triển văn hóa đọc. Việc xây dựng thói quen đọc sách là nền tảng cơ bản của văn hóa đọc, thói quen này quan trọng nhất đối với trẻ em. Thế nhưng, thành phố hiện đang thiếu một cách trầm trọng nơi đọc sách cho trẻ. Hệ thống thư viện cơ sở ở các quận huyện thì vừa xuống cấp về hạ tầng lại vừa thiếu sách, nhất là sách cho thiếu nhi. Cả thành phố xét về thư viện chỉ có tại Thư viện Khoa học tổng hợp TP là có khu đọc sách dành riêng cho thiếu nhi nhưng diện tích cũng không lớn. Chưa kể khó lòng đáp ứng cho các gia đình ở các quận xa.
Về mặt xã hội, hiện tại trong toàn bộ hệ thống hàng chục nhà sách quy mô trên địa bàn thành phố, chỉ có duy nhất Trung tâm Sách Kim Đồng (số 248 đường Cống Quỳnh, quận 1) là thực sự thiết kế để phục vụ việc đọc sách cho thiếu nhi với các tiện ích như ăn uống nhẹ, chỗ ngồi, nằm đọc… Tuy nhiên, do là nhà sách của một đơn vị xuất bản nên nơi này không có sách của các đơn vị khác. Các địa điểm có nhiều sách, như Đường sách TPHCM tuy có thiết kế đẹp nhưng hiện vẫn chưa có không gian thuận tiện cho trẻ em đọc sách. Như vậy, để nuôi dưỡng thói quen đọc sách, các bậc phụ huynh gần như không còn chọn lựa nào khác ngoài các nhà sách vốn dàn trải rộng khắp nơi, bất chấp một thực tế là nhà sách vốn không phải là địa điểm lý tưởng để đọc sách, nhất là với trẻ em.
Xây dựng các trung tâm sách cho thiếu nhi
Nhu cầu nơi đọc sách cho thiếu nhi, đặc biệt vào dịp hè, đã được nhắc đến từ lâu. Nó được xem là một trong các trọng tâm của xây dựng văn hóa đọc. Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hiện còn gặp rất nhiều khó khăn. Hệ thống thư viện công cộng ở các trung tâm văn hóa quận huyện, như quận 5, 6, Phú Nhuận, Nhà Bè… từng rất thành công trong việc thu hút bạn đọc nhỏ tuổi, thế nhưng hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là nguồn sách. Sách thiếu nhi là mảng sách phát triển mạnh nhất, đa dạng nhất nhưng chính vì thế nó đòi hỏi nhiều chi phí, trong khi kinh phí mua sách của các thư viện cơ sở rất hạn hẹp. Nhiều thư viện đã ứng phó bằng cách tiến hành luân chuyển sách giữa các thư viện, nhưng cũng chỉ giải quyết một phần do sách luân chuyển chủ yếu là sách cũ.
Các đơn vị xuất bản, phát hành cũng nhanh chóng nhận thấy nhu cầu từ lượng bạn đọc nhỏ tuổi. NXB Kim Đồng là đơn vị đi đầu trong các NXB với Trung tâm Sách Kim Đồng - trung tâm sách thiếu nhi đầu tiên của một đơn vị xuất bản trên cả nước. Với mục tiêu làm nơi tổ chức sự kiện văn hóa đọc, nhất là sách cho thiếu nhi, trung tâm này được bố trí theo dạng phục vụ việc đọc tại chỗ hơn là bày bán sách.
Gần đây, tại Bình Dương và sau đó là tại TPHCM, Công ty Sách Phương Nam (Phương Nam Book - PNB) đã lần lượt mở 3 nhà sách có quy mô cực lớn, được mệnh danh là “Thành phố sách” có diện tích khoảng 5.000m²/nhà sách. Các nhà sách này đều dành một vị trí quan trọng, thậm chí chiếm đến 1/3 nhà sách để làm khu vực đọc sách thiếu nhi, với lượng sách lớn, chỗ ngồi đọc sách thuận tiện. Điều đặc biệt là ở các nơi này, bên cạnh sách còn được bố trí cả khu vui chơi cho thiếu nhi (khu lều trại, sân bóng mini, khu ăn uống…), tất cả nhằm mục tiêu giữ chân độc giả nhí ở lại với sách, hay nói đúng hơn là với nhà sách. Dự kiến, sắp tới đây PNB sẽ tiếp tục mở các nhà sách dạng này tại khu vực miền Trung và thủ đô Hà Nội.
Xây dựng thói quen đọc sách được coi là yếu tố quan trọng sống còn trong việc phát triển văn hóa đọc, đặc biệt là thói quen đọc sách ở giới trẻ. Thế nhưng, trong khi sách thiếu nhi rất phát triển, liên tục là dòng sách đứng đầu cả về số lượng, nội dung cũng như doanh thu, thì môi trường đọc sách phù hợp nhất cho thiếu nhi lại đang thiếu hụt trầm trọng. Không chỉ ở các vùng xa, ngoại thành, mà ngay cả ở trung tâm đô thị lớn. Khó khăn trong việc tìm kiếm một không gian đọc thích hợp được cho là sẽ ảnh hưởng không nhỏ, làm mất dần đam mê đọc sách nơi bạn đọc nhỏ tuổi.