Thiếu nhân lực có chuyên môn về công tác xã hội trong bệnh viện

Ngày 28-11, tại TPHCM, Bộ Y tế tổ chức hội nghị tổng kết 9 năm thực hiện Thông tư số 43/2015/TT-BYT quy định về nhiệm vụ và hình thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác xã hội của bệnh viện.

Theo TS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, hoạt động công tác xã hội trong bệnh viện có ý nghĩa nhân văn, góp phần xây dựng hệ thống y tế lấy người bệnh làm trung tâm, hỗ trợ người bệnh và gia đình vượt qua khó khăn, nâng cao hiệu quả hoạt động của bệnh viện.

Trong 9 năm qua, Phòng Công tác xã hội của các bệnh viện trên cả nước đã hỗ trợ cung cấp thông tin dịch vụ khám chữa bệnh cho hơn 916 triệu lượt người bệnh; hỗ trợ và tư vấn cho hơn 9,4 triệu lượt người bệnh về chính sách bảo hiểm y tế; hỗ trợ kinh phí khám chữa bệnh cho hơn 859.000 lượt người bệnh…

20241128_085340.jpg
TS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế phát biểu tại hội nghị ngày 28-11

Tuy nhiên, vẫn có hơn 71% phòng công tác xã hội của bệnh viện không thực hiện hỗ trợ khẩn cấp nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh là nạn nhân của bạo hành, bạo lực; 68% không thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin báo chí; 55% chưa triển khai cung cấp thông tin người bệnh và động viên nhân viên y tế....

Nguyên nhân khiến hoạt động công tác xã hội gặp khó khăn là do thiếu nguồn nhân lực có chuyên môn phù hợp, chưa có chuẩn năng lực cho nhân viên công tác xã hội làm việc trong cơ sở khám chữa bệnh; thiếu kinh phí và hỗ trợ cơ sở vật chất; thiếu các hướng dẫn, quy trình, khó khăn trong việc phối hợp giữa các khoa, phòng...

Dẫn chứng thực tế, bà Nguyễn Thị Thúy, Phó Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, cho biết, nhân viên công tác xã hội gặp rất nhiều khó khăn khi tham gia hỗ trợ bảo vệ trẻ em bị bạo hành hoặc xâm hại. Trong đó, đối mặt với phản ứng dữ dội của gia đình nạn nhân, sự phối hợp chưa hiệu quả với các bên liên quan.

Cụ thể, trước khi vụ bạo hành ở Mái ấm Hoa Hồng bị "phanh phui", một số trẻ nhỏ của cơ sở này đã điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 vì viêm phổi, nhiễm trùng. Qua quan sát, bác sĩ nghi ngờ người đưa trẻ đi viện không phải là người thân, có dấu hiệu sử dụng bạo lực với trẻ nên yêu cầu cung cấp giấy tờ chứng minh. Lúc này, họ mới xác nhận là người của mái ấm. Phía bệnh viện thông tin với công an địa phương để nắm bắt vụ việc.

"Vài tháng sau, vụ bạo hành tại Mái ấm Hoa Hồng gây xôn xao dư luận. Nhân viên công tác xã hội cảm thấy rất đau lòng vì đã nhận thấy bất thường mà không thể ngăn chặn", bà Thuý nói. Riêng năm 2024, Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận và hỗ trợ 4 trường hợp nghi ngờ bạo hành, 2 trường hợp bị bạo hành và 1 trường hợp bị xâm hại tình dục.

Trước thực tế trên, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã ký quy chế phối hợp liên ngành cùng Công an phường Bến Nghé (quận 1, TPHCM), Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM nhằm bảo vệ chặt chẽ trẻ em bị xâm hại, bạo hành. Mô hình phối hợp này sẽ tăng cường trách nhiệm giữa các bên, rút ngắn thời gian tiếp nhận và xác minh thông tin, đảm bảo trẻ được can thiệp đồng bộ về thể chất, tâm lý và được bảo vệ quyền lợi hợp pháp.

Hội nghị cũng tiến hành thảo luận, góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 43/2015/TT-BYT, nhằm khắc phục các bất cập, giúp các cơ sở khám chữa bệnh triển khai công tác xã hội thuận lợi và hiệu quả, phục vụ người bệnh tốt hơn.

Tin cùng chuyên mục