Thiếu nhà trẻ trong khu công nghiệp

Các khu công nghiệp và khu chế xuất phát triển mạnh trên cả nước đã tạo ra hàng triệu việc làm, đóng góp lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, một thách thức không hề nhỏ là thiếu trường, lớp mầm non dành cho con em công nhân.

Thiếu quỹ đất xây trường

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cả nước có 431 khu công nghiệp với hơn 4,16 triệu lao động đang làm trực tiếp, trong đó 60%-70% là nữ. Tuy nhiên, số lượng nhà trẻ, trường mầm non trong các khu công nghiệp vẫn rất hạn chế. Chẳng hạn tại TPHCM, chỉ 15% nhu cầu gửi trẻ của công nhân được đáp ứng tại các cơ sở công lập. Phần lớn lao động nữ phải gửi con tại các cơ sở tư thục với chi phí cao hoặc nhờ người thân chăm sóc, dẫn đến nhiều khó khăn về kinh tế và tâm lý.

Tại tỉnh Đồng Nai có hơn 33 khu công nghiệp, nhưng chỉ 6 trường mầm non được xây dựng do chính nỗ lực của doanh nghiệp. Số trường này không đáp ứng đủ nhu cầu gửi trẻ của công nhân. Tương tự, tại TP Hải Phòng, Khu công nghiệp VSIP với 30.000 lao động, nhu cầu gửi trẻ dưới 36 tháng tuổi rất lớn nhưng chỉ có một số ít cơ sở giữ trẻ do doanh nghiệp tự xây dựng, số còn lại phụ thuộc vào cơ sở tư nhân.

Do thiếu cơ sở giữ trẻ, nhiều gia đình công nhân đang phải để con cái ở quê với ông bà, dẫn đến khoảng cách về tình cảm và khó khăn trong quản lý gia đình. Trong khi đó, nhiều cơ sở tư thục không đảm bảo chất lượng giáo dục và an toàn cho trẻ. Ngoài ra, hiện nay, thời gian giữ trẻ tại các cơ sở công lập thường không đáp ứng được yêu cầu tăng ca, làm thêm giờ của công nhân. Điều này khiến lao động nữ đang chịu áp lực nặng nề trong việc chăm sóc con cái, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả làm việc của họ.

&3a.jpg
Con em công nhân vui chơi tại khu nhà ở công nhân thuộc Khu công nghiệp Kim Chung (huyện Đông Anh, TP Hà Nội)

Dù một số doanh nghiệp đã cố gắng đầu tư xây dựng nhà trẻ ngay trong khuôn viên, nhưng số lượng còn rất hạn chế do vướng mắc về quỹ đất và cơ chế. Theo phản ánh của đại diện tổ chức công đoàn tại các địa phương, hiện nay các khu công nghiệp cũ hầu như không có quy hoạch dành cho nhà trẻ, trường học. Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hải Phòng, vấn đề quỹ đất là trở ngại lớn nhất tại các khu công nghiệp, nếu không có hỗ trợ từ chính quyền thì việc xây dựng nhà trẻ là “nhiệm vụ bất khả thi”.

Quy hoạch khu công nghiệp phải dành đất cho nhà trẻ

Nghị định 115/2020/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định các khu công nghiệp mới phải dành quỹ đất cho giáo dục, bao gồm nhà trẻ. Tuy nhiên, việc thực thi vẫn chưa đồng bộ. Các khu công nghiệp mới thường ưu tiên phát triển hạ tầng sản xuất hơn là các công trình phục vụ đời sống công nhân.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hiện đang xây dựng dự thảo “Đề án Hỗ trợ công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong việc chăm sóc và nuôi dạy con”. Đề án đặt mục tiêu không chỉ xây dựng thêm nhà trẻ mà còn hỗ trợ các cơ sở tư thục đạt chuẩn, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của công nhân.

Tại các hội thảo đóng góp ý kiến cho dự thảo đề án được tổ chức ở Hà Nội và TPHCM, đại diện của nhiều địa phương đã đề nghị phải có quỹ đất cho nhà trẻ trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Bà Trần Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam (Nghệ An), đề xuất Nhà nước cần quy định bắt buộc dành quỹ đất xây nhà trẻ trong các dự án khu công nghiệp mới, giống như mô hình nhà ở xã hội. Tuy nhiên, bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng Ban Nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho rằng, tổ chức công đoàn chỉ có vai trò giám sát và kiến nghị, còn trách nhiệm quy hoạch và cấp đất phải thuộc về chính quyền các địa phương.

Để giải quyết triệt để vấn đề trên, cần sự phối hợp đồng bộ giữa các bên, bao gồm chính quyền địa phương, doanh nghiệp và các tổ chức công đoàn. Trước hết, các khu công nghiệp mới phải đảm bảo quỹ đất dành cho trường học. Ngoài ra, cần khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà trẻ thông qua các chính sách ưu đãi thuế và hỗ trợ tài chính. Nhưng cùng với đó, tổ chức công đoàn cần đẩy mạnh giám sát, nhân rộng các mô hình hiệu quả, đồng thời vận động chính sách để trẻ em là con công nhân lao động được hưởng ưu tiên.

Khi giải quyết được bài toán thiếu trường, lớp mầm non, công nhân lao động sẽ có thêm điều kiện tập trung làm việc, cải thiện chất lượng cuộc sống. Đây không chỉ là giải pháp nâng cao phúc lợi lao động mà còn là động lực để phát triển xã hội bền vững.

Tin cùng chuyên mục