Liên hoan năm nay có 19 đơn vị nghệ thuật kịch nói trong và ngoài công lập tham gia, với 23 vở diễn. Như vậy, số đoàn và vở diễn năm nay có sự sụt giảm mạnh, thậm chí còn thấp hơn liên hoan năm 2021 (20 đơn vị, 26 vở diễn), thời điểm bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19. Có nhiều lý do của sự sụt giảm này, nhưng đa số đều cho rằng nguyên nhân chính đến từ sự vắng bóng đoàn kịch của các trường văn hóa nghệ thuật trong cả nước.
Theo quy định của năm nay, đối tượng được tham gia phải là các đơn vị nghệ thuật kịch nói chuyên nghiệp trong và ngoài công lập. Tức là các đơn vị có tư cách pháp nhân (từ Trung ương đến địa phương), có thời gian hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật kịch nói chuyên nghiệp từ 12 tháng trở lên, tính đến thời điểm tham gia liên hoan. Đối với các nghệ sĩ, quy chế cũng bắt buộc nghệ sĩ, diễn viên đóng vai chính, thứ chính phải là những người được đào tạo chuyên môn, chuyên ngành hoặc đã tham gia biểu diễn nghệ thuật kịch nói liên tục từ 3 năm trở lên của đơn vị nghệ thuật có tư cách pháp nhân…
Theo giải thích của ban tổ chức, quy chế trên nhằm nâng cao chất lượng của các vở diễn, đảm bảo tính chuyên nghiệp của liên hoan. Tuy nhiên, nhiều ý kiến trong ngành không đồng tình với quan điểm này và cho rằng, sinh viên đang theo học tại các trường là nguồn nhân lực được đào tạo chuyên môn.
Hơn nữa, để các em có thêm điều kiện trau dồi, phát huy tài năng, nhiều trường nghệ thuật cũng xây dựng những đoàn kịch được đầu tư khá bài bản. Và thực tế, các đoàn nghệ thuật trường học, các nghệ sĩ sinh viên cũng đã từng chứng minh năng lực của mình như tại liên hoan năm 2021, vở Thành Thăng Long thuở ấy của Nhà hát Thế Giới Trẻ, Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh TPHCM đã nhận được giải vàng. Hay vở Như hạt mưa sa của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội đã đoạt nhiều giải thưởng tại Liên hoan Sân khấu các trường nghệ thuật của châu Á tổ chức tại Trung Quốc…
Theo thông cáo từ Cục Nghệ thuật biểu diễn, Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2024 nhằm phát hiện những tìm tòi, sáng tạo mới trong lao động nghệ thuật, tôn vinh những tài năng sân khấu kịch nói… Thế nhưng, quy định như trên liệu thực sự đã vì người làm nghề, có hướng tới mục tiêu tìm kiếm, thu hút, bồi dưỡng lực lượng nghệ sĩ, diễn viên kế cận…? Với nhiều người yêu sân khấu, cảm giác hụt hẫng khi một sự kiện quan trọng bậc nhất của giới kịch nói lại thiếu đi một mảnh ghép tươi mới, đầy nhiệt huyết của đội ngũ kế thừa.