Kết quả sơ bộ từ cuộc khảo sát doanh nghiệp mới nhất do VCCI thực hiện với sự hỗ trợ của ILO cho thấy, khoảng 60% doanh nghiệp được hỏi cho rằng đang thiếu lao động có kỹ năng và 50% doanh nghiệp cũng coi kỹ năng chuyên môn của đội ngũ giám sát và quản lý đang là thách thức.
Theo Hiệp hội Công nghệ hỗ trợ Việt Nam, đến tháng 6-2022, Apple đã chuyển 11 nhà máy của các doanh nghiệp Đài Loan trong chuỗi cung ứng của hãng này sang Việt Nam. Nhiều hãng khác như Foxconn, Luxshare, Pegatron, Wistron cũng mở rộng cơ sở sản xuất sẵn có tại Việt Nam...
Samsung xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển lớn nhất của tập đoàn tại khu vực Đông Nam Á trị giá 220 triệu USD tại Hà Nội, và cũng đang có kế hoạch tiếp tục mở rộng nhà máy tại Bắc Ninh, Thái Nguyên. Đầu năm nay, Đồng Nai đã cấp giấy phép đầu tư cho 2 dự án 100 triệu USD của nhà cung cấp linh kiện cho Samsung là Công ty Hansol Electronics Việt Nam (Hàn Quốc). Với làn sóng các tập đoàn công nghệ lớn đang dịch chuyển sản xuất vào Việt Nam là cơ hội để tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động trong ngành điện tử.
Theo ILO, Việt Nam đã ghi nhận giá trị xuất khẩu hàng điện tử tăng liên tục hàng năm, hiện chiếm 1/3 tổng giá trị xuất khẩu của cả nước.
"Là một trong những nước xuất khẩu hàng điện tử lớn nhất thế giới, giá trị xuất khẩu của ngành lên tới hơn 108 tỷ USD trong năm 2021 với lực lượng lao động ước tính trên 1 triệu người", thông cáo của ILO cho biết. Tuy nhiên, ngành điện tử tại Việt Nam chủ yếu tập trung vào các hoạt động gia công, lắp ráp có giá trị gia tăng thấp và thâm dụng lao động.
"Thông qua các dự án với sự hỗ trợ tài chính của Liên minh châu Âu và các nhà tài trợ khác, ILO hiện đang hợp tác chặt chẽ với VCCI để cùng hỗ trợ các đối tác ngành giải quyết tình trạng thiếu hụt việc làm thỏa đáng và phát triển các chuỗi cung ứng toàn cầu trong ngành điện tử tại Việt Nam", tổ chức này thông tin thêm.