Những lỗ hổng về kịch bản
Năm 2018 hay một vài năm trước đây, kịch bản vẫn là “vùng trũng” với hầu hết các nhà sản xuất (NSX) phim. Những trào lưu: Việt hóa phim nước ngoài, chuyển thể kịch bản từ kịch, sách… do đó là tất yếu. Theo NSX, kiêm đạo diễn Lý Hải: “Kịch bản hay phải là một câu chuyện tròn trịa và đặc biệt phải phù hợp tình hình sản xuất tại Việt Nam”.
Trong khi đó, theo NSX Thanh Thúy: “Tôi quan niệm, hãy làm phim cho khán giả và mục đích cuối cùng của việc xem phim là để giải trí. Một bộ phim hấp dẫn là khi khán giả xem xong không cảm thấy bế tắc”. Không chỉ đề cao tính giải trí, biên kịch Kay Nguyễn còn khuyến khích những tác giả kịch bản hãy kể những câu chuyện mình thích nhất.
Lý thuyết là vậy, còn trên thực tế để hiện thực hóa những lý thuyết ấy vào mỗi kịch bản lại là vấn đề không đơn giản. Nhìn lại thị trường phim Việt thời gian qua, có thể thấy những lỗ hổng rất lớn về kịch bản. Đó là những câu chuyện không mang thông điệp rõ ràng, cấu trúc vụng về, phi logic và bất hợp lý về chi tiết, không xây dựng được cao trào, giải quyết tình huống qua loa, sự chắp vá vụn vặt…
Không ít kịch bản với nền tảng có sẵn là các bộ phim, vở kịch, tác phẩm văn học thành công, nhưng phim làm ra rơi vào thế bế tắc, có thể kể đến những: Yêu em bất chấp, Yêu em từ khi nào, Lala: Hãy để anh yêu em, Thử yêu rồi biết, Em gái mưa, Xóm trọ 3D: Cung tâm kế, Tình đầu thơ ngây… Kịch bản giống như “tấm bản đồ” xuyên suốt quá trình làm phim, hệ quả tất yếu, nếu các phim yếu khâu này thì đều có chất lượng thấp, thất bại thảm hại về doanh thu phòng vé.
Tết vừa qua, một loạt vở kịch cũ được các sân khấu chọn tái dựng vì không tìm được tác phẩm mới ưng ý. IDECAF dựng Cái đẹp đè bẹp cái nết (đạo diễn Vũ Minh) làm lại từ vở Vẻ đẹp hoàn hảo; tác phẩm thi tốt nghiệp của sinh viên - đạo diễn Lê Hoàng Giang có tên Mơ hoang - cảm tác từ Giấc mộng đêm hè của William Shakespeare, được IDECAF trau chuốt thêm và đổi tên thành Mơ giấc tình tình; đạo diễn Bùi Quốc Bảo dựng vở Đẹp bất chấp cho sân khấu kịch thể nghiệm 5B, đây là một “phiên bản” khác của Công chúa Sao Hỏa, vở từng diễn ở sân khấu kịch Superbowl của bà “bầu” Hồng Vân.
Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh sau một thời gian đỏ mắt tìm kịch bản, cuối cùng đành bắt tay viết tiếp phần hai cho vở Nửa đời ngơ ngác, là vở mới Bên kia… nửa đời ngơ ngác, trong đó có nỗi lo: khán giả nào đã xem phần một rồi thì khi xem phần hai mới cảm hết câu chuyện tình đầy ngang trái của các nhân vật.
Trước đó, trong năm 2017, 2018, hàng loạt vở cũ cũng lần lượt được các sân khấu tái dựng, tái diễn để làm đầy các kịch mục, đáp ứng phần nào nhu cầu giải trí của khán giả. Thực tiễn cho thấy, sự thiếu hụt khá trầm trọng của kịch bản sân khấu hiện nay dự báo sẽ không thay đổi trong năm 2019.
Ông “bầu” Huỳnh Anh Tuấn của sân khấu kịch IDECAF chia sẻ: “Từ nhiều năm qua, người làm sân khấu kịch đỏ mắt tìm kiếm kịch bản chất lượng, phù hợp với phong cách từng sàn diễn, nhưng khan hiếm quá”.
Đầu tư chưa tương xứng
Các NSX ý thức được kịch bản là yếu tố quan trọng nhưng lại chưa có sự đầu tư một cách tương xứng. Theo biên kịch Trần Khánh Hoàng, mức giá kịch bản hiện nay là từ 60 - 600 triệu đồng. Đạo diễn Charlie Nguyễn khẳng định, có kịch bản lên tới 1 tỷ đồng và còn tăng nữa vì tiêu tốn nhiều thời gian, công sức của cả ê kíp.
Tuy nhiên, như biên kịch Kay Nguyễn từng chia sẻ: “Hình như ở xứ nào cũng vậy, Hollywood hay Việt Nam thì biên kịch điện ảnh vẫn bị trả thù lao thấp nhất”. Trong khi đó, đạo diễn Lương Đình Dũng lập luận: “Tôi tự hỏi, liệu chúng ta đã trả đủ tiền cho những kịch bản tốt? NSX có sẵn sàng dành thời gian hàng năm trời cho các tác giả, nhóm tác giả hoàn thiện những kịch bản như ý họ mong muốn”.
Giải bài toán về biên kịch là công việc đã, đang và sẽ cần phải làm của hầu hết các NSX. NSX Thanh Thúy đã tổ chức các khóa đào tạo về kịch bản tại công ty của mình, nhưng thành quả chưa thu được bao nhiêu. Các nhà làm phim Charlie Nguyễn, Victor Vũ, Vũ Ngọc Đãng, Nguyễn Quang Dũng… cũng đều phải tự thân vận động trong quá trình sáng tạo kịch bản cùng ê kíp ruột của mình với mong muốn có kịch bản như ý. Trong khi đó, một số nhà làm phim trẻ đang bắt đầu từ những kịch bản phim ngắn và dần dần phát triển thành phim dài. Có thể kể đến các trường hợp: Trần Dũng Thanh Huy với 16g30, Phạm Ngọc Lân với Một khu đất tốt, Phạm Thiên Ân với Hãy thức tỉnh và sẵn sàng…
Những cuộc thi như Nhà biên kịch tài năng có thể xem là một giải pháp. Bằng chứng là, trong lần thứ 2 tổ chức, 5 kịch bản xuất sắc nhất đã được các NSX lớn: Thiên Phúc Production, A Type Machine, Yeah1 CMG, Live On quan tâm và ký biên bản thỏa thuận hợp tác ngay sau lễ trao giải. Thậm chí, có kịch bản còn được nhiều NSX cạnh tranh vì nhận định đó là những ý tưởng có tính khả thi cao để đưa vào sản xuất.
Nhưng có lẽ giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay đó chính là công tác đào tạo đội ngũ biên kịch cần có sự chuyên nghiệp, bài bản. Theo các biên kịch hay NSX tên tuổi ở Việt Nam, phải mất 5-6 năm, trải qua 5-6 kịch bản mới có thể tích lũy được những kinh nghiệm cần thiết.
Nhìn xa hơn, theo đạo diễn Hoàng Duẩn, cần thiết phải vận dụng công nghệ trong phát triển nghệ thuật. Có 4 vấn đề cần tập trung: Đầu tư xây dựng các rạp hát hiện đại đủ tiêu chuẩn; đưa các học phần công nghệ vào giáo trình giảng dạy; ứng dụng các công nghệ hiện đại vào hoạt động tại các nhà hát; đơn vị nghệ thuật cần được đầu tư trong việc marketing, phát triển khán giả, quảng bá tác phẩm, tìm nguồn tại trợ. Làm được những điều trên, mới mong có đầu ra cho sản phẩm hay, thúc đẩy tính sáng tạo của biên kịch.