Đó là thông tin được các chuyên gia, doanh nghiệp, hiệp hội đưa ra tại tọa đàm trực tuyến “Nguồn nhân lực lao động cho TPHCM và các tỉnh lân cận sau đại dịch” do Báo Người Lao Động tổ chức chiều 1-10.
Tọa đàm có sự tham gia của lãnh đạo sở, ngành TPHCM, Bộ ngành trung ương và một số tỉnh, thành phố, các hiệp hội, hội ngành nghề và các doanh nghiệp.
Theo ông Phạm Thanh Trực, Phó Trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp (KCX-KCN) TPHCM (Hepza), trước khi dịch Covid-19 bùng phát, tổng số lao động làm việc trong các KCX-KCN TPHCM là 288.000 người. Khi dịch bệnh bùng phát, TPHCM chỉ có 720 doanh nghiệp thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” với 64.000 người lao động.
Sau thời gian, các doanh nghiệp sản xuất theo mô hình này bắt đầu gặp khó khăn vì các chi phí bỏ ra quá lớn, có doanh nghiệp đã ngừng sản xuất. Tất cả các doanh nghiệp đang muốn mở của hoạt động nhưng gặp khó khăn về nguồn cung lao động và nguồn cung nguyên vật liệu do đứt gãy nguồn cung ứng.
Thống kê của Hepza cho thấy có khoảng 31.000 lao động làm việc tại các KCX-KCN của TPHCM đã về quê, trong đó chủ yếu là những người lao động trở về quê ở Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An... Tình trạng này dẫn đến nguồn cung lao động càng thiếu hụt, trong khi TPHCM đã cho mở cửa sản xuất trở lại sau ngày 1-10 nên nhiều doanh nghiệp lo ngại thiếu lao động.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, dù gặp nhiều khó khăn nhưng để duy trì hoạt động, nhiều doanh nghiệp đã chủ động lập kế hoạch tuyển dụng nhân sự mới và liên lạc nhân sự cũ đang tạm nghỉ, thiết kế nhiều chế độ ưu đãi và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút người lao động yên tâm quay trở lại làm việc.
Dự kiến nhu cầu nhân lực tại TPHCM trong quý IV năm 2021 cần khoảng 56.000 lao động, trong đó có xu hướng tăng ở lao động bán thời gian và nhu cầu nhân lực ở lao động qua đào tạo chiếm đến 87% tại các doanh nghiệp. Riêng các hiệp hội, ngành hàng cho biết lĩnh vực của mình đang thiếu từ 30% đến 60% số lượng lao động.
Đại diện Công ty TNHH PouYuen Việt Nam cho biết về vấn đề khan hiếm lao động, công ty đã gặp khó khăn từ năm 2020 nên rất quan tâm đến việc giữ chân người lao động. Do vậy, từ tháng 6, công nhân không đi làm được, công ty vẫn cố gắng trả lương cho người lao động. Đến tháng 9, công ty gặp rất nhiều khó khăn nhưng vẫn cố gắng trả 50% lương tối thiểu và đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Tuy nhiên, hiện nay, công nhân đang rất hoang mang không biết khi nào được trở lại làm việc. Thực tế, những tháng qua, người lao động đã rất vất vả để duy trì cuộc sống. Vì vậy, khi có thông tin TPHCM nới lỏng giãn cách, Công ty PouYuen đã bố trí xe để đưa rước công nhân giữa TPHCM và các tỉnh.
“Để doanh nghiệp có thể tái sản xuất, chúng tôi mong rằng các cơ quan chức năng sẽ tạo điều kiện cho người lao động đã tiêm vaccine mũi 1, mũi 2 hoặc F0 đã hồi phục được đi làm trở lại”, ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH PouYuen Việt Nam bày tỏ.
Đến thời điểm hiện nay, Công ty Pou Yuen có khoảng hơn 40.000 lao động đã tiêm vaccine mũi 1 và khoảng 20.000 lao động đã tiêm vaccine mũi 2.
Theo ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM về cung ứng lao động, 5 tháng qua, tỷ lệ lao động nghỉ làm hưởng bảo hiểm thất nghiệp khoảng trên 100.000 người và 500.000 lao động nghỉ làm. Tỷ lệ tiêm vaccine mũi 1 trên 95%, mũi 2 gần 50% cho người dân sống trên địa bàn. Để đáp ứng nhu cầu lao động, sở cũng chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức kết nối cung cầu lao động với Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực để đảm bảo việc làm cho bà con.
Ông Tấn cũng cho biết, TPHCM quan tâm việc tiêm vaccine. Tới đây, TPHCM tiếp tục ưu tiên tiêm cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, sau đó ưu tiên tiêm cho người trên 55 tuổi và thứ ba là tiêm cho công nhân lao động với trẻ em.
Ông Phạm Thanh Trực cho rằng, tín hiệu đáng mừng là đã có 242.000 người lao động trong các KCX-KCN tại TPHCM đã được tiêm vaccine mũi 1 và trên 24.000 người lao động đã được tiêm mũi 2.
Hiện Hepza đang ưu tiên phối hợp với chính quyền TPHCM và các tỉnh thành khác để đón người lao động quay lại làm việc và cách đưa đón sao cho thuận lợi nhất cho người lao động. Khi đón về, sẽ tổ chức tiêm vacine mũi 2 cho số lao động này.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Nguyễn Văn Hồi, đã có 18 triệu lao động ở 19 tỉnh, thành phía Nam gặp khó khăn do áp dụng Chỉ thị 16. Trong số này, những người bị ảnh hưởng về việc làm chiếm 2/3, chỉ có 1/3 lực lượng lao động có việc làm ổn định do doanh nghiệp áp dụng “3 tại chỗ”.
Các doanh nghiệp đã nỗ lực đảm bảo tiền lương tối thiểu cho người lao động để giữ chân họ. Do đó, để đảm bảo điều kiện sản xuất trở lại, thực hiện mục tiêu kép, sắp tới phải tiếp tục tiêm vaccine để sản xuất an toàn, thu hút lao động. Bên cạnh các chính sách chăm lo thì cần có kế hoạch bảo đảm sản xuất an toàn để người lao động yên tâm làm việc.