Khi quá trình chuyển đổi công nghệ và kỹ thuật số tăng tốc, nhiều vai trò trong ngành dịch vụ thực phẩm sẽ phải được thiết kế lại để bắt kịp với những thay đổi mới. Nhân viên phục vụ, đầu bếp cùng những người hỗ trợ khác sẽ phải được tái đào tạo nhằm duy trì hiệu quả của lĩnh vực vốn là ngành kinh tế quan trọng của Singapore. Năm ngoái, ngành F&B sử dụng khoảng 235.000 lao động và đóng góp khoảng 3,3 tỷ USD cho nền kinh tế Singapore.
Dự kiến, robot sẽ được đưa vào sử dụng ở nhiều nhà hàng trong thời gian tới. Hiện người máy phục vụ đang trở thành phổ biến, ngày càng được thấy nhiều trong các quán ăn, bao gồm nhà hàng lẩu nổi tiếng Haidilao và nhà hàng Swee Choon. Ngoài ra, các chuỗi thức ăn nhanh và cửa hàng trà sữa trân châu cũng đã có nhiều kiosk tự đặt hàng trong những năm gần đây.
Một robot phục vụ trong nhà hàng lẩu Haidilao ở Singapore |
Các công ty trong ngành F&B cho biết quá trình chuyển đổi việc làm đã diễn ra và cả người sử dụng lao động cũng như nhân viên đều phải nắm bắt những thay đổi hoặc bị bỏ lại phía sau. Ông Andrew Kwan, Chủ tịch Hiệp hội Nhà hàng Singapore, cho biết: “Phải sẵn sàng thích nghi, phải có trí óc nhanh nhạy để nhận ra các xu hướng và điều chỉnh cho phù hợp”.
Để hỗ trợ lĩnh vực này, một bản đồ chuyển đổi việc làm đã được Chính phủ Singapore đưa ra vào tuần trước, với các kế hoạch giúp người lao động nâng cao kỹ năng bản thân và đảm nhận các vai trò mới như chuyên gia về tính bền vững hoặc nhà thiết kế nhà hàng.
Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Low Yen Ling cho rằng: “Đối với người lao động, điều quan trọng hơn cả là phải thích ứng với tốc độ thay đổi, tiếp tục nâng cao kỹ năng và kiến thức”. Cũng theo bà Low Yen Ling, người lao động chịu trách nhiệm về sự nghiệp của chính họ và phát triển nghề nghiệp bằng cách liên tục học hỏi các kỹ năng mới là những người phù hợp cũng như có khả năng cao được tuyển dụng.
Các công ty hiện đang tìm cách thiết kế lại công việc có thể nhận được hỗ trợ tài chính lên tới 70%. Một chương trình trợ cấp tiền lương lên tới 90% cũng được áp dụng cho những người sử dụng lao động đang đào tạo lại nhân viên hiện tại cho các vai trò mới.
Bà Low Yen Ling cho biết nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng tăng đối với các dịch vụ tiện lợi, cá nhân hóa và trải nghiệm cũng như các hoạt động bền vững. Một sự thay đổi xu hướng quan trọng khác mà bà nhấn mạnh là việc áp dụng công nghệ nhiều hơn cho các giải pháp kỹ thuật số và thiết bị tự động hóa kể từ đại dịch Covid-19.
Việc lực lượng lao động Singapore đang già đi và nguyện vọng nghề nghiệp của giới trẻ nước này đang thay đổi cũng khiến người lao động phải cạnh tranh nhiều hơn. Bà Low Yen Ling cho hay những thách thức này đồng nghĩa với việc các công ty cần thiết kế lại công việc, nắm bắt công nghệ và tối ưu hóa mô hình nhân lực của họ để duy trì tính cạnh tranh.