Thiếu hướng dẫn viên du lịch: Dùng “chuyển ngữ viên” người nước ngoài?

Ngoại ngữ không hiếm, nhưng hiếm hướng dẫn viên
Thiếu hướng dẫn viên du lịch: Dùng “chuyển ngữ viên” người nước ngoài?

Cơ cấu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã thay đổi nhanh chóng, hướng dẫn viên (HDV) nói tiếng Anh như bị “dư thừa”, trong khi đó tiếng Hàn Quốc, Thái Lan, Tây Ban Nha, Đức… lại khan hiếm nghiêm trọng. Thị trường du lịch Việt Nam đang có nguy cơ mất khách vì không đáp ứng được yêu cầu hướng dẫn cho khách du lịch.

Ngoại ngữ không hiếm, nhưng hiếm hướng dẫn viên

Thiếu hướng dẫn viên du lịch: Dùng “chuyển ngữ viên” người nước ngoài? ảnh 1

Hướng dẫn viên hướng dẫn khách nước ngoài tham quan TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Một nghịch lý, mỗi năm Việt Nam có cả trăm ngàn sinh viên ngành ngoại ngữ tốt nghiệp ra trường, nhưng ngành du lịch Việt Nam vẫn thiếu HDV du lịch nói tiếng nước ngoài. Tuy các ngoại ngữ được cho là khan hiếm như Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan đã đưa vào giảng dạy từ rất lâu, nhưng sinh viên vẫn “biến mất” trước sự chờ đợi của doanh nghiệp lữ hành. Vì đâu ngành du lịch không hấp dẫn nguồn lực này? 

Tính chất phải hoạt náo, đi nhiều, cực nhọc, một mình phải tự lo mọi việc để quản lý tour của HDV là một trong những nguyên nhân làm lao động e ngại khi chọn nghề, hoặc phải bỏ cuộc, chuyển sang làm nghề khác.

Mặt khác, khách du lịch của một số nước châu Á thích đi lẻ, đi khuya, có biểu hiện không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam nên nhiều HDV không mặn mà với nghề, nhất là với HDV nữ.

Hiện cả nước có khoảng 5.750 HDV, riêng tại TPHCM có 1.344 HDV, trong đó chỉ có 641 người đáp ứng được yêu cầu, được cấp thẻ HDV chính thức, số còn lại là thẻ cấp tạm thời.

Theo tiêu chuẩn mới, ít nhất phải có bằng cử nhân ngoại ngữ hay hướng dẫn, mới được cấp thẻ HDV. Việc cấp thẻ tạm thời là một biện pháp chữa cháy cho ngành du lịch trước việc thiếu hụt nghiêm trọng lượng HDV nói được ngoại ngữ khan hiếm.

Phần lớn HDV được cấp thẻ tạm thời là những người đi xuất khẩu lao động hoặc từng có thời gian học tập, nghiên cứu những ngành nghề không thuộc lĩnh vực du lịch tại các nước. Sở Du lịch TPHCM cho biết, hiện việc cấp thẻ mới dựa phần nhiều vào tiêu chuẩn ngoại ngữ, thẻ cấp có trình độ chuyên môn còn ít.

TPHCM là một thị trường du lịch lớn của Việt Nam, khách du lịch châu Á đến từ Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc luôn dẫn đầu lượng khách quốc tế đến TPHCM, nhưng lượng HDV nói tiếng Hoa, Nhật, Hàn không đáp ứng được yêu cầu; thị trường khách tiềm năng đến từ châu Âu như Nga, Đức, Tây Ban Nha… ngày càng tăng nhưng HDV nói được các thứ tiếng này chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Ở TPHCM hiện nay, tiếng Nga chỉ có 8 HDV, tiếng Tây Ban Nha có 16 HDV (5 HDV chính thức), tiếng Thái có 10 HDV (1 HDV có thẻ chính thức), tiếng Hàn có 14 HDV ( 2 HDV được cấp thẻ chính thức)…

Chính việc thiếu hụt này đã dẫn đến tình trạng HDV người Hàn Quốc làm chui khá rầm rộ tại Việt Nam. Với những HDV tạm thời, không có chuyên môn, trình độ hiểu biết xã hội, chắc chắn sẽ không đáp ứng được yêu cầu tìm hiểu của khách.

Một nhân viên quản lý tour của Công ty Du lịch Bến Thành cho biết, dẫn khách nước ngoài, quan trọng là phải có hiểu biết về lịch sử, văn hóa, xã hội, những HDV không đáp ứng được yêu cầu, phần lớn do thiếu kỹ năng trên; ví như có trường hợp, một cô HDV chỉ “thuộc bài” điểm đến địa đạo Củ Chi và Mỹ Tho (Tiền Giang) thì không thể tồn tại với nghề.

Với những HDV như thế này, khách du lịch sẽ không khám phá, hiểu biết được nhiều về đất nước, con người Việt Nam và chắc chắn sẽ không có sự hào hứng nào cho sự trở lại lần sau.

Một cán bộ ngành du lịch tâm sự, trước việc thiếu hụt nghiêm trọng HDV nói tiếng Hàn, Nhật, Thái, ông đã đến nói chuyện “tình cảm” với khoa Đông Phương học của một trường ĐH, có thể đưa vào chương trình học thêm môn du lịch, nhưng được trả lời “sinh viên ra trường không đủ làm ở công ty, nhà máy thì lấy đâu ra làm HDV”?!

Giải pháp nào cho việc thiếu HDV?

Tại TPHCM, hiện có 18 trường ĐH, CĐ, nghiệp vụ đào tạo nhân lực cho ngành du lịch, nhưng việc cấp thẻ chủ yếu dựa vào các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn do khoa Thương mại- Du lịch Trường ĐH Kinh tế, khoa Du lịch Trường ĐHDL Văn Lang và Trường ĐHDL Hùng Vương đào tạo.

Khoa Thương mại-Du lịch Trường ĐH Kinh tế TPHCM cho biết, hiện nay trung bình mỗi năm, khoa đào tạo khoảng 150 học viên, theo các khóa học nghiệp vụ ngắn hạn trong thời gian 2,4, 6 tháng, đối tượng theo học phải là những người đã có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành khác.

Thiếu hướng dẫn viên du lịch: Dùng “chuyển ngữ viên” người nước ngoài? ảnh 2

Khách du lịch Hàn Quốc đang tham quan Bưu điện trung tâm TPHCM. Ảnh: K.T.G.

Một trong những điều kiện được cấp thẻ HDV du lịch quốc tế của Tổng cục Du lịch, đối tượng được cấp thẻ phải có bằng tốt nghiệp ĐH chuyên ngành khác và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hướng dẫn du lịch do cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp.

Như vậy, những học viên theo học những khóa học như trên sẽ dễ dàng được cấp thẻ HDV. Tuy nhiên, học viên cũng phải có một bằng C ngoại ngữ. Đây là trở ngại lớn nhất của việc cấp thẻ HDV, dù có nhiều học viên theo học các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch chính qui nhưng vẫn chưa thể có được thẻ HDV quốc tế, vì vướng vào bằng C ngoại ngữ.

Một thực tế buồn hiện nay, một số trường đã ngưng tuyển sinh ngành HDV?! Điều này đang đi ngược lại với đầu tư phát triển của ngành du lịch.

Giải pháp cho việc thiếu HDV của một số ngoại ngữ khan hiếm, bà Đổng Thị Kim Vui, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, cho biết, Sở Du lịch TPHCM vừa có kiến nghị với Tổng cục Du lịch về việc xem xét, có thể sử dụng người nước ngoài làm việc dưới dạng chuyển ngữ viên cho các HDV du lịch Việt Nam không thành thạo tiếng Hàn, Thái,…

Ngành du lịch Việt Nam phải có những biện pháp phối hợp hiệu quả với ngành giáo dục, xây dựng chiến lược đào tạo nguồn lực ngôn ngữ phục vụ cho ngành du lịch đang phát triển. Chú trọng đào tạo các ngôn ngữ khan hiếm bằng cách đưa ngôn ngữ đó vào dạy ngay từ trường phổ thông. Hiện nay, phần lớn HDV tiếng Đức, Pháp, Tây Ban Nha đều đã lớn tuổi, nếu không đào tạo kịp thời, du lịch Việt Nam sẽ hụt hẫng nguồn nhân lực.

Mỹ Hạnh

Tin cùng chuyên mục