Trong đó, tình trạng trẻ bị suy giáp, thiếu hóc môn tăng trưởng là một trong những nguyên nhân hàng đầu ảnh hưởng tới sự phát triển chiều cao trẻ nhỏ.
Không chỉ do suy dinh dưỡng, di truyền
Lặn lội đưa con từ Kim Bôi, Hòa Bình xuống Bệnh viện Nhi Trung ương để khám vì cậu con trai đầu lòng gần 2 tuổi nhưng chỉ cao chưa đầy 60cm, vợ chồng anh chị Lê Huy Hòa khá lo lắng.
Sau khi thăm khám và thực hiện một số xét nghiệm, các bác sĩ Khoa Nội tiết - Chuyển hóa - di truyền xác định bé Lê Thanh T. (21 tháng tuổi, con anh Hòa) bị thiếu hóc môn tăng trưởng nên chiều cao thấp hơn những đứa trẻ phát triển bình thường khoảng 25cm.
Một trường hợp khác là bé gái Nguyễn Thị H. (6,5 tuổi, ở Bắc Ninh) được gia đình đưa tới khám với chiều cao chỉ 103cm, trong khi chiều cao bình thường của trẻ ở lứa tuổi này là 117 - 120cm.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, hàng ngày, các bác sĩ tiếp nhận thăm khám và điều trị cho rất nhiều trẻ có các bệnh lý liên quan tới nội tiết, gây ảnh hưởng tới sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Chỉ riêng Khoa Nội tiết - Chuyển hóa - di truyền, mỗi ngày có khoảng 50 trẻ được đưa tới khám về chậm tăng trưởng chiều cao.
Đáng lưu ý, hiện nay, nhiều bậc cha mẹ khi thấy con có dấu hiệu chậm tăng trưởng chiều cao thường nghĩ rằng do các yếu tố dinh dưỡng và di truyền.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Ngọc Khánh, Khoa Nội tiết - Chuyển hóa - di truyền, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, thực tế trẻ chậm tăng trưởng chiều cao không chỉ liên quan đến yếu tố dinh dưỡng mà còn do nhiều nguyên nhân khác. Các nghiên cứu chỉ ra một số nguyên nhân thường gặp khiến bé chậm tăng trưởng như: suy dinh dưỡng, bị các bệnh lý dị tật bẩm sinh, loạn sản sụn, còi xương, thiếu máu, đặc biệt là tình trạng thiếu hóc môn tăng trưởng ảnh hưởng lớn tới sự phát triển chiều cao của trẻ nhỏ.
Cần điều trị đúng thời điểm
Theo một số chuyên gia Nhi khoa, cơ thể trẻ sản xuất hóc môn tăng trưởng không đủ, dẫn đến thiếu hóc môn. Tình trạng này có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào trong đời, xuất phát từ nguyên nhân bẩm sinh hoặc do tổn thương tuyến yên, do chấn thương đầu, do u não hoặc nhiễm trùng dạng viêm màng não và viêm não.
Ngoài ra, cũng có một số trường hợp thiếu hóc môn tăng trưởng không rõ nguyên nhân. Trẻ nhỏ thiếu hóc môn tăng trưởng sẽ chậm phát triển cơ thể, tăng nguy cơ gãy xương và bệnh tim mạch. Nếu trẻ chậm tăng trưởng do thiếu hóc môn tăng trưởng nhưng không được điều trị kịp thời, chiều cao cuối cùng của trẻ sẽ thấp hơn nhiều so với chiều cao đáng lý trẻ sẽ đạt được khi trưởng thành.
Để kịp thời phát hiện trẻ chậm cao do thiếu hóc môn, các bậc phụ huynh có thể dựa vào những biểu hiện như trẻ lùn, chậm tăng trưởng chiều cao hơn với những trẻ cùng lứa tuổi. Đối với trẻ có cân nặng bình thường sẽ có dáng vẻ mập mạp, vẻ mặt “non” hơn so với tuổi... Khi phát hiện trẻ có chiều cao không đạt được các cột mốc theo độ tuổi hoặc chiều cao tăng trưởng chậm (<5cm/năm đối với trẻ từ 3 tuổi trở lên), cha mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán, điều trị càng sớm càng tốt.
Khi bác sĩ xác định bệnh nhi bị thiếu hóc môn tăng trưởng và cần thiết điều trị, bác sĩ sẽ chỉ định bổ sung hóc môn tăng trưởng mỗi ngày. TS Nguyễn Ngọc Khánh cho biết thêm, tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã điều trị cho nhiều trẻ chậm tăng trưởng chiều cao do thiếu hóc môn tăng trưởng đạt kết quả rất tốt. Các nghiên cứu cho thấy, sau khi điều trị thiếu hóc môn tăng trưởng, năm đầu trẻ tăng trung bình 10 - 12cm, năm thứ 2 tăng trung bình 7 - 9cm, các năm sau đó tăng trung bình 6cm.
Theo các bác sĩ chuyên khoa Nội tiết, với trẻ thiếu hóc môn tăng trưởng được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ thấy rõ hiệu quả, trẻ sẽ phát triển như trẻ em bình thường khác. Do đó, bất kỳ thời điểm nào thấy trẻ phát triển chiều cao thấp hơn giới hạn bình thường và tốc độ tăng trưởng chậm, gia đình nên đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa Nội tiết để xác định nguyên nhân.
Để việc điều trị thiếu hóc môn tăng trưởng đạt hiệu quả cần tiến hành đúng thời điểm, đúng liều lượng, tốt nhất trong khoảng độ tuổi 4 - 13. Nếu qua thời gian này, các sụn xương của trẻ đóng lại, hóc môn tăng trưởng không còn tác dụng.