Khó khăn chồng chất
Có 2 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu điện tại Trung Quốc. Thứ nhất, các chính quyền địa phương đang gấp rút tuân thủ các mục tiêu cắt giảm khí thải của chính phủ và do đó đã hạn chế sản xuất điện từ than.
Thứ hai, thiếu hụt nguồn cung cấp than khi Trung Quốc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Cuộc khủng hoảng thiếu điện lan rộng từ nhà máy đến các khu dân cư. Tổng công ty Điện lực Nhà nước Trung Quốc cho biết, hiện giờ họ chỉ cố gắng hết sức để đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dân, còn điện để sản xuất vẫn còn thiếu rất nhiều. Cuộc khủng hoảng điện tại Trung Quốc đang tạo một cú sốc mới đối với chuỗi cung ứng toàn cầu không lâu sau khi chuỗi cung ứng này bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch Covid-19.
Các nhà máy xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới ở Trung Quốc buộc phải tiết kiệm điện bằng cách hạn chế sản xuất. Các chuyên gia kinh tế cảnh báo các biện pháp cắt giảm sử dụng điện nghiêm ngặt sẽ làm giảm sản lượng hàng hóa xuất khẩu ở các trọng điểm kinh tế của các tỉnh Giang Tô, Chiết Giang và Quảng Đông, nơi chiếm gần 1/3 GDP của Trung Quốc.
Ấn Độ cũng đang trong tình trạng thiếu than trầm trọng để phát điện. Theo Financial Times, tính đến ngày 3-10, hơn 135 nhà máy nhiệt điện của Ấn Độ chỉ có lượng than dự trữ trong 4 ngày so với 13 ngày hồi tháng 8. Chính phủ Ấn Độ cho biết, việc sản xuất và vận chuyển than khó khăn do tình hình mưa bão tại nước này. Các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than tạo ra khoảng 66% tổng sản lượng điện của Ấn Độ.
Ngoài ra, Ấn Độ cũng đang nỗ lực giảm khai thác than để chuyển đổi sang năng lượng sạch. Các nhà kinh tế nhận định, trừ khi Chính phủ Ấn Độ có thể phân bổ nguồn cung cấp than chặt chẽ một cách hiệu quả hơn, Ấn Độ có thể đối mặt với những vấn đề tương tự như Trung Quốc. Trong đó, với các ngành công nghiệp buộc phải đóng cửa hoặc dựa vào nguồn điện thay thế đắt tiền hơn, chẳng hạn như các máy phát điện của riêng các nhà máy.
Tác động lớn
Trong một dự báo tầm xa được đưa ra trước đại dịch Covid-19, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết từ năm 2019 đến năm 2024, Trung Quốc chiếm 28% tăng trưởng kinh tế toàn cầu và Ấn Độ chiếm 15%. IMF xác định đây là hai động lực tăng trưởng hàng đầu thế giới. Cũng theo IMF, tình trạng thiếu điện ở Trung Quốc và Ấn Độ đang gây ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế của châu Á và làm tăng nguy cơ áp lực lạm phát có thể bùng phát trong khu vực.
Với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Công ty phân tích và dự báo kinh tế Oxford Economics đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong quý 4-2021 từ 5% xuống 3,6% và trong năm 2022 từ 5,8% xuống 5,4%. Các công ty phân tích tài chính Nomura Holdings Ltd., China International Capital Corp. và Morgan Stanley cũng đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc do sự cố nguồn điện.
Theo Economic Times, ông Lu Ting, nhà kinh tế trưởng chuyên về Trung Quốc tại Tập đoàn Nomura Holdings, cho biết: “Các thị trường toàn cầu sẽ thiếu hụt nguồn cung từ hàng dệt may, đồ chơi đến linh kiện máy móc”.
Công ty Pegatron, một đối tác quan trọng của tập đoàn Apple và là một trong những đơn vị lắp ráp iPhone chủ lực, cho biết hoạt động lắp ráp iPhone ở Trung Quốc đang bắt đầu giảm sản lượng do thiếu điện. Bài xã luận trên tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc hôm 3-10 cũng lo ngại tình trạng thiếu điện sẽ buộc các công ty phải tăng giá hàng tiêu dùng. Các nhà phân tích cho rằng tình trạng thiếu điện chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cả các ngành công nghiệp nặng như nhôm và nhiều ngành khác.