Thiếu chuyên gia FTA, có thể mất thị phần và đối tác

Sáng 13-11, tại Hà Nội, Bộ Công thương tổ chức tọa đàm “Phát triển nguồn nhân lực chuyên gia, tăng hiệu quả thực thi FTA”.

Đề cập đến khía cạnh này, bà Nguyễn Thị Lan Phương, Phó trưởng Phòng WTO và FTA, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), cho biết, đến thời điểm này, Việt Nam đã và đang thực thi 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 3 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA và UKVFTA). Những FTA này không chỉ bao gồm các lĩnh vực truyền thống như thuế quan, mà còn bao gồm các lĩnh vực phi truyền thống như lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ...

Bà Nguyễn Thị Lan Phương (bìa trái) tại tọa đàm

Bà Nguyễn Thị Lan Phương (bìa trái) tại tọa đàm

Chính vì thế, nội dung cam kết của các FTA thế hệ mới tương đối phức tạp, nhiều tiêu chuẩn cao, đòi hỏi phải có đội ngũ nguồn nhân lực hiểu sâu, hiểu sát những cam kết này, để giúp cơ quan quản lý ở cấp địa phương cũng như doanh nghiệp có thể nắm và thực thi đúng, đầy đủ.

Do thiếu và yếu về nhân lực nên tỷ lệ tận dụng các FTA còn khá hạn chế. Chẳng hạn như EVFTA, đến nay cũng chỉ đạt mức 26%, thậm chí CPTPP chỉ ở mức 5%. Rõ ràng, những con số này là rất thấp so với dư địa và cơ hội mà các FTA mang lại.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trở ngại của các doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó, nguyên nhân quan trọng chính là lực cản về nguồn nhân lực (ở cả cấp độ Trung ương, tỉnh, thành và doanh nghiệp).

Ở cấp Trung ương, bà Lan Phương dẫn ví dụ về Vụ Chính sách thương mại đa biên là đơn vị chủ trì tham gia hoạt động đàm phán, ký kết, phê chuẩn và thực thi các FTA, nhưng chỉ có 10 nhân sự, thực hiện tất cả các công việc, từ quá trình đàm phán, ký kết, phê chuẩn đến thực thi. Quá trình thực thi phải liên quan tới rất nhiều bộ, ngành và địa phương, đòi hỏi lực lượng chuyên trách "đủ quân số" để có thể hỗ trợ cho các tỉnh, thành và doanh nghiệp.

Còn ở cấp độ địa phương, đại diện Bộ Công thương cho biết, khi đi khảo sát thì thấy có tỉnh, thành bố trí 5-7 nhân sự phụ trách mảng FTA, nhưng có địa phương chỉ được 1-2 nhân sự và bản thân những nhân sự này cũng phải kiêm nhiệm rất nhiều công việc khác nhau.

“Ví dụ họ phải thực hiện việc cấp C/O, quản lý xuất nhập khẩu. Tình trạng chưa đủ nhân sự ở các tỉnh, thành về nội dung FTA là một trở ngại rất lớn và Bộ Công thương đã có báo cáo Thủ tướng về vấn đề này”, bà Lan Phương thông tin.

Trong khi, nhiều cán bộ đang phải kiêm nhiệm, chưa được đào tạo chuyên sâu về các nội dung cam kết FTA, nhất là những nội dung về lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ... thì các nước là đối tác FTA của Việt Nam như EU, các nước CPTPP lại có xu hướng đưa ra nhiều quy định mới. Ví dụ, EU đưa ra các quy định mới về việc chống phá rừng đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (cà phê, gỗ). Nếu không có cán bộ am hiểu sâu những vấn đề này thì khó mà hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp.

Bà Lan Phương cho rằng, việc chuẩn bị một đội ngũ nhân lực đủ năng lực, không chỉ giúp doanh nghiệp tăng trưởng xuất khẩu mà còn tránh bị các thị trường cạnh tranh “giật” mất thị phần hoặc đơn hàng, ví dụ như đang xảy ra với thị trường dệt may, nhiều đối tác đã rời Việt Nam, chuyển đơn hàng cho Bangladesh, Indonesia.

Đề xuất giải pháp, đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên cho rằng, phải gia tăng số lượng nhân lực, nguồn chuyên gia về FTA (từ cấp Trung ương đến địa phương và doanh nghiệp), bằng cách phải đào tạo đội ngũ chuyên gia FTA một cách bài bản và quy mô hơn.

Tin cùng chuyên mục