Theo Ban Tuyên giáo Trung ương, vẫn còn tình trạng cơ quan chủ quản thiếu quan tâm trong bố trí, quy hoạch cán bộ của NXB, dẫn đến tình trạng NXB không sắp xếp, tìm được người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo Quy định số 100-QĐ/TW, Luật Xuất bản để bổ nhiệm người đứng đầu hay các chức danh lãnh đạo NXB, tình trạng thiếu cán bộ kéo dài dẫn đến một số NXB nguy cơ dừng hoạt động.
Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết, công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực và quy hoạch nhân sự lãnh đạo của NXB cũng chưa được quan tâm đúng mức tại một số cơ quan chủ quản, dẫn đến một số NXB hoạt động nhưng thiếu hụt nhân lực, phải kiêm nhiệm, hoặc chưa đủ nhân sự lãnh đạo theo đúng quy định. Hiện nay, có 3 NXB thiếu chức danh tổng biên tập là: NXB Y học, NXB Thanh Hóa, NXB Đà Nẵng. Có 3 NXB được cơ quan chủ quản giao quyền giám đốc trong thời gian dài nhưng chưa thực hiện kiện toàn nhân sự lãnh đạo. Đặc biệt, NXB Thể thao và Du lịch đang trong quá trình phá sản.
Đối với việc đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ phát triển xuất bản điện tử trong năm qua cũng cho thấy, có rất ít cơ quan chủ quản duy trì sự hỗ trợ cho NXB, hầu như các NXB phải tự bươn chải với nguồn kinh phí hạn hẹp. Các NXB không đủ nguồn lực để đầu tư xuất bản những chương trình, kế hoạch xuất bản sách trọng điểm. Mặt khác, hiện nay số lượng NXB tham gia xuất bản phẩm điện tử còn chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng số NXB.
Thời gian qua, mặc dù các cơ quan chủ quản đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin, đào tạo nguồn nhân lực cho NXB trực thuộc, nhưng vẫn chưa có sự bứt phá trong triển khai thực hiện xuất bản điện tử, chưa đủ điều kiện để phát triển theo hướng hiện đại và tiến tới chuyển đổi số.
Tại hội nghị, nhiều giải pháp, đề xuất cũng được đưa ra nhằm thúc đẩy phát triển văn hóa đọc và thực hiện chuyển đổi số, đóng góp đưa ngành xuất bản phát triển thành ngành kinh tế, công nghệ hiện đại.
Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết, trong xã hội bão hòa thông tin hiện nay, yêu cầu cấp thiết là biến thông tin thành tri thức, mà sách luôn là cái nôi của tri thức. Trong xu thế mới, ngành xuất bản cần tìm ra ưu thế của mình. Sách hiện tiếp cận công chúng qua nhiều hình thức như điện tử, sách nói, videobook... - những minh chứng sinh động và rõ rệt nhất cho chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản.
Do đó, các đơn vị xuất bản cần tập trung theo hướng: Đổi mới và phát triển theo mô hình cơ quan xuất bản - công nghệ; sản phẩm xuất bản đặc sắc và phân phối nội dung đa nền tảng, đa phương tiện, bám sát nhu cầu và sở thích của độc giả - đặc biệt là thế hệ trẻ. Đồng thời sử dụng công nghệ, trợ lý ảo và trí tuệ nhân tạo (AI) nhiều hơn trong xuất bản.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm nhấn mạnh, các cơ quan chủ quản cần quan tâm, đầu tư cho nhà xuất bản trong thúc đẩy phát triển văn hóa đọc và thực hiện chuyển đổi số. Trước hết là đầu tư hạ tầng, nhân lực kỹ thuật để ứng dụng công nghệ thông tin, đưa xuất bản điện tử thành mũi nhọn phát triển...