Thiếu 10.000 tỷ đồng làm dự án, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đề xuất ứng quỹ tiền lương

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cho rằng, các tỉnh trong vùng đang chịu áp lực lớn về nguồn vốn để đầu tư các dự án lớn, nên kiến nghị cho cơ chế, chính sách ứng quỹ tiền lương của địa phương để thực hiện các dự án.

Ngày 10-8, tại TPHCM, Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ tổ chức hội nghị lần thứ 4. Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị còn có Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên và lãnh đạo các bộ ngành Trung ương, các tỉnh thành trong vùng Đông Nam bộ.

Địa phương gặp áp lực lớn về vốn

Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cho rằng, các tỉnh trong vùng đang chịu áp lực lớn về nguồn vốn để đầu tư các dự án lớn.

1c16cfe7bf981bc64289-1.jpg
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Lợi phát biểu. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Cụ thể, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đề nghị có chính sách tháo gỡ khó khăn về vốn cho các địa phương trong vùng, trong đó có chính sách cho ứng quỹ tiền lương, nâng tỷ lệ giữ lại nguồn thu ngân sách và cho vay vốn từ Trung ương.

Dẫn chứng cụ thể, tỉnh Bình Dương hiện đang tập trung nguồn lực để đầu tư các công trình giao thông trọng điểm liên kết vùng với tổng mức đầu tư khoảng 60.000 tỷ đồng. Sau khi cắt, giãn, hoãn các công trình chưa thật sự cần thiết, tỉnh vẫn còn thiếu khoảng 10.000 tỷ đồng.

Vì vậy, lãnh đạo tỉnh Bình Dương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, ủng hộ cho tỉnh cơ chế được vay 10.000 tỷ đồng để tập trung đầu tư cho các dự án trọng điểm như đường Vành đai 4, Vành đai 3, dự án mở rộng Quốc lộ 13, cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.

feeb21c8a0b404ea5da5-1.jpg
Lãnh đạo bộ ngành Trung ương dự hội nghị. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Một giải pháp mà Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương đề xuất, đó là ứng quỹ tiền lương của địa phương. Bởi vì hiện nay quỹ tiền lương của tỉnh khoảng 20.000 tỷ đồng, trong khi chi lương mỗi năm khoảng 2.000 tỷ đồng. Nếu ứng quỹ này được 10.000 tỷ đồng thì tỉnh có đủ vốn thực hiện các dự án lớn.

Ngoài ra, kiến nghị có chính sách cho các địa phương giữ lại nguồn thu để đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm, dự án lớn; kiến nghị cơ chế chính sách để địa phương có dư vốn hỗ trợ địa phương thiếu vốn trong vùng.

Năm 2025, khởi công dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài

Về dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết, địa phương đã tích cực phối hợp các địa phương trong vùng triển khai các nhiệm vụ được Hội đồng vùng giao cho và đến hiện nay đã cơ bản hoàn thành.

828213cb21b485eadca5-1.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Đặc biệt là cám ơn Thủ tướng đã quyết liệt để phê duyệt chủ trương đầu tư đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài.

“Ngay sau khi Thủ tướng phê duyệt chủ trương, dù văn bản chưa về đến tỉnh, địa phương cũng đã họp với các ngành và xây dựng kế hoạch cụ thể để phấn đấu thực hiện dự án Thành phần 4, hoàn thành việc đền bù, giải phóng mặt bằng để bàn giao trước ngày 30-4-2025 nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án này”, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh thông tin.

Chủ tịch UBND TPHCM cho biết thêm, TPHCM và Tây Ninh quyết tâm phê duyệt dự án giải phóng mặt bằng trong năm nay; khởi công gói đầu tư công trong quý 2-2025 và khởi công gói PPP trong quý 2-20026, cố gắng hoàn thành dự án vào đầu năm 2028.

Tin cùng chuyên mục