LTS: Thời gian gần đây, những biểu hiện đạo đức xã hội cho thấy có nhiều điều đáng buồn, thậm chí là lo lắng, báo động. Từ những mâu thuẫn nhỏ, tranh chấp, xô xát và cả những vụ việc mà người ta sẵn sàng quên danh dự của bản thân để đạt những mục tiêu trước mắt. Dịp này, Báo SGGP tổ chức diễn đàn “Đạo đức xã hội và trách nhiệm của mỗi người”, với ý kiến tâm huyết của các chuyên gia xung quanh vấn đề này.
Nhà hàng đông khách, ai ai cũng xếp hàng đợi đến lượt mình. Bỗng dưng một cặp đôi người Việt từ đâu ùa tới chen ngang. Những người xung quanh chỉ biết lắc đầu, cười. Vào một nơi khác, lại gặp một anh người Việt ăn tham, bê mấy đĩa đồ ăn đầy ự về bàn, ăn không hết rồi bỏ bê ở đấy. Tình trạng này không chỉ tồn tại ở trong nước mà sang đến tận nước ngoài. Thế mới có chuyện một số nhà hàng ở Thái ghi rõ là: “Khách người Việt xin vui lòng...”. Vì sao?
Những cảnh báo
Mọi thứ còn đau xót hơn khi cơn say rượu có thể điều khiển luôn cả trí não và trái tim để nhấn chìm đi dòng huyết quản đang chảy trong người. Chữ hiếu là gì khi ta muốn rượu say mà cha mẹ chẳng cho tiền? Chữ nhân nghĩa còn đâu khi muốn cá độ mà người nhà không thỏa mãn thì cái cuốc có thể trở thành vũ khí tước đi mạng sống của chính người bụng mang dạ chửa sanh ra mình gần 300 ngày chẵn?
Hãy quan tâm đến các thành viên trong gia đình, nhất là với nhận thức của trẻ em . Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Y đức bất ổn khi nhân viên y tế thiếu trách nhiệm, chữ tâm đi vắng? Y đức không đảm bảo nên việc quên gạc, quên kéo xảy ra? Và chiếc băng ca có đẩy nhẹ hay không phụ thuộc vào độ dày của hai chữ: bồi dưỡng? Giáo dục bạo hành dẫu là đơn lẻ nhưng phản ánh những nỗi lo thường trực: Không biết số phận con mình ra sao. Những đoạn phim vô tình hay hữu ý thu thập được cũng phản ánh một tiếng thở dài.
Môi trường học đường hiện nay không đảm bảo. Giữa cái sáng và cái tối trong bức tranh của bạo lực học đường xem chừng màu đen lấn át, nếu như không muốn nói khó có thể có cái nhìn lạc quan cho vấn đề này. Học sinh sẽ học gì ngoài những kiến thức dày độ lý luận và mỏng dần thực tiễn?
Sự tương tác xã hội mới làm cho gia đình... thiếu dành thời gian cho chính mình hay đó là việc dành thời gian cho nhau giữa các thành viên. Cuộc sống quá bận rộn và thách thức đến mức mỗi cá nhân đều đắm mình trong công việc. Thật hiếm hoi có một buổi sinh hoạt chung đầy đủ tất cả các thành viên. Con cái thì cứ học thêm hoặc học tăng cường liên tục, cha mẹ thì phải làm ăn, xoay sở, anh chị thì cũng phải vượt qua những thách thức nghề nghiệp liên miên... Dần dần mọi người đều ít có thời gian quan tâm đến nhau.
Thực tế còn hơn thế nữa khi con cái cũng không đủ thời gian và điều kiện để về thăm cha - thăm mẹ vào cuối tuần, thậm chí là có nhiều con cháu vẫn không còn “điều kiện” để về thăm dòng họ vào những ngày lễ lộc. Những mâu thuẫn và những xung đột trong gia đình vẫn còn tồn tại khá nhiều. Từ đây, nạn bạo lực - bạo hành trong gia đình diễn biến hết sức phức tạp. Không còn đơn giản là vấn đề bạo hành thể xác mà đã chuyển dần sang bạo hành tinh thần... Gần đây chuyện bạo hành tài chính và cả bạo hành tình dục cũng là vấn đề hết sức nhức nhối.
Hàng ngày, hàng giờ, sự thu nạp những hình ảnh thực tế của đứa trẻ đang trưởng thành vẫn diễn ra. Đó là những biểu hiện của sự bất công trong mối quan hệ, đó là chuyện phố - chuyện phường - đó là những bức xúc xoay quanh chuyện nhà - chuyện cửa... Khi yếu tố truyền thống mà đặc biệt yếu tố “thẩm thấu” trực tiếp từ môi trường chưa được định hướng hoặc được phân tích rốt ráo theo hướng bộ lọc hay hướng “điều chỉnh” thì chắc chắn rằng mọi chuyện sẽ không thể tránh khỏi nguy cơ. Sự ảnh hưởng của các loại sản phẩm được núp bóng dưới văn hóa một cách thô thiển, đó là những trò chơi bạo lực gián tiếp hay trực tuyến, đó là những phim ảnh thiếu sự kiểm soát của những cơ quan chức năng được tuồn vào bằng nhiều hình thức dẫn đến sự “rối nhiễu” hành vi về mặt tâm lý.
Trọng trách mới
Giáo dục phát triển năng lực phải song hành cùng với giáo dục đạo đức và việc hình thành giá trị. Hiện nay, giáo dục Việt Nam đang tích cực và nỗ lực trong tiến trình thay đổi chương trình giáo dục. Việc làm này là phù hợp và xu hướng phát triển năng lực trong giáo dục cũng là xu hướng hiện đại, tỏ ra hiệu quả trên thế giới. Tuy nhiên, nhà trường cần nhận thức rằng việc phát triển năng lực phải song hành với các mục tiêu giáo dục đạo đức. Các giá trị đạo đức cần được khai thác tiềm ẩn và sâu sắc để hướng đến một con người có năng lực ứng xử, biết tuân thủ và vận dụng các giá trị sống cũng như những giá trị đạo đức. Ngay trong trường học, việc rèn luyện các giá trị làm người phải luôn đảm bảo đúng vị trí, đúng trọng tâm cũng như được chuyển tải sâu sắc thông qua các hoạt động giáo dục tích hợp và chuyên biệt.
Vấn đề giáo dục đạo đức, giáo dục những hành vi trong nếp sống - trong quan hệ đối xử trở thành vấn đề trọng tâm trong văn hóa đạo đức hiện nay. Lẽ đương nhiên, thực chất việc xây dựng môi trường trường học thân thiện hay việc đề cao khẩu hiệu: “Tiên học lễ - học học văn” hoặc thầy ra thầy - trò ra trò; trường ra trường - lớp ra lớp và nhiều yêu cầu khác cũng xoay quanh vấn đề ứng xử. Đầu năm 2018, Bộ GD-ĐT đã có động thái chỉ đạo nghiên cứu và ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trong trường học. Thực chất của việc giáo dục đạo đức phải bắt nguồn từ việc tác động về mặt nhận thức, xây dựng những rung cảm đạo đức hình thành nhu cầu và niềm tin hướng đến các chuẩn mực đạo đức mới có thể hình thành hành vi tâm lý.
Việc huấn luyện, bồi dưỡng những kỹ năng ứng xử - giao tiếp cho học sinh nhằm trang bị cho học sinh một số kỹ năng chuẩn mực hướng đến việc xây dựng văn hóa học đường theo hướng tích cực... sẽ là những hành động làm cho đạo đức xã hội tốt đẹp hơn. Cần nhìn nhận rằng, tác động từ môi trường xã hội đối với trẻ em để từ đó có thể có những động thái điều chỉnh tác động. Xã hội luôn vận động và biến đổi, nhưng xã hội thế nào phụ thuộc nhiều vào sự nỗ lực của từng con người. Và như thế, sự tác động tổng hợp sẽ đảm bảo hơn để con người dần hoàn thiện...
Hãy biến cuộc sống thành một môi trường đúng nghĩa để đảm bảo cho con người thành công, hạnh phúc... Từ đây, đạo đức xã hội sẽ tốt hơn nếu con người biết hướng mình đến những chuẩn mực chung. Chỉ có thể thực hiện tốt điều ấy nếu mỗi gia đình có số con vừa phải, có thời gian gần gũi, tâm sự… và đồng hành cùng con. Đừng vì sự ích kỷ của cá nhân mà để đứa trẻ ra đời với một tương lai mờ mịt - không được chuẩn bị. Song song đó, mỗi con người tốt hơn, biết kiểm soát mình nhiều hơn thì cộng đồng và trường học cũng sẽ tốt hơn.
Thực ra cách đây khoảng 10 năm, những cảnh báo về vấn đề giáo dục giá trị đã được đề cập. Vào những năm 2007 - 2008, những nghiên cứu về sự lựa chọn các giá trị đạo đức - nhân văn của chúng tôi cũng đã từng đề cập đến vấn đề này (đề tài nghiên cứu: Sự lựa chọn các giá trị đạo đức nhân văn của giới trẻ, năm 2008).
Những lựa chọn giá trị của các bạn sinh viên cách đây 10 năm đã cho thấy sự đáng lo ngại khi cái tôi dần phình to, các chuẩn mực bị dịch chuyển một cách không thương tiếc. Không ít bạn trẻ đã khẳng định rằng, việc nói dối là bình thường, chân thành với người khác là ngu dại nên có cơ hội thì cứ chiến mà thôi; và việc không nói quá, việc nhường nhịn, tôn trọng... không phải là căn cứ để tuân thủ nhằm sống tốt, sẽ dẫn đến những hậu quả tai hại, là nguy cơ dường như được báo trước.