“Đối với tôi, hòa nhập có nghĩa được là chính mình và chấp nhận những gì khác biệt, bởi vì sự khác biệt là một vẻ đẹp riêng. Vì thế, bộ sưu tập của tôi dành cho bất kỳ ai thích là chính mình”, Emilia nói.
Emilia cùng người anh sinh ba của cô, Valente, được chẩn đoán mắc bệnh bại não từ lúc ra đời. Lớn lên, Emilia và anh trai Valente là nạn nhân của sự bắt nạt và phân biệt đối xử. “Trước đây, mọi người nhìn tôi như thể tôi là một vấn đề. Họ không coi tôi là Emilia mà là một người khuyết tật”, Emilia hồi tưởng. Emilia đã xem mẹ của mình may quần áo, điều này đã truyền cảm hứng cho cô vượt qua nghịch cảnh để sáng tạo. “Tôi kinh ngạc nhìn bà dùng máy khâu, chiếc kim di chuyển quá nhanh, và tôi rất thích thú vì chiếc kim này đã tạo ra một thứ gì đó độc đáo”, cô kể lại.
Emilia đăng ký làm sinh viên thiết kế thời trang tại Học viện Modartech ở Pontedera, Tuscany. Tình yêu thời trang của Emilia luôn cho phép cô thể hiện bản thân một cách độc đáo. Do khả năng di chuyển hạn chế, Emilia ưu tiên sự thoải mái nhưng luôn đảm bảo trang phục của cô mang tính cách tân. Emilia đã thiết kế bộ sưu tập tốt nghiệp của mình để giải quyết những định kiến và khuôn mẫu bắt nguồn từ xã hội. Bộ sưu tập gồm 5 tác phẩm với chủ đề Khuyết tật không phải là giới hạn, bạn là giới hạn kể về cùng một câu chuyện. Tác phẩm đầu tiên của cô tập trung vào các bức tranh biếm họa của cố Tổng thống Hoa Kỳ Franklin Roosevelt, người mắc bệnh bại liệt. Roosevelt đã truyền cảm hứng cho Emilia bởi ông từ chối quay phim khi ngồi trên xe lăn và sợ mọi người sẽ đánh giá khuyết tật hơn là khả năng lãnh đạo của ông. Emilia kết thúc bộ sưu tập bằng câu chuyện về chính cuộc đời cô. Chiara Mosti, người hướng dẫn của Emilia tại học viện, cho biết: “Tôi nhớ đã gặp Emilia mấy năm trước, và cảm thấy có một sức mạnh nào đó bên trong cô ấy thật mạnh mẽ, đang cố gắng toát ra để khiến người khác chú ý”.
Bộ sưu tập Khuyết tật không phải là giới hạn, bạn là giới hạn |
Phong cách may mặc của vị cố Tổng thống Mỹ ảnh hưởng đến trang phục của Emilia. Những bộ vest được thiết kế riêng, giày brogues bằng da và cà vạt lụa. Cô ấy cũng kết hợp áo nịt ngực chỉnh hình, nẹp mắt cá chân và nhiều thiết bị cơ xương khác vào các thiết kế của mình. Emilia nói: “Những sản phẩm này không được thiết kế để trở nên hấp dẫn và nhiều khi mọi người cảm thấy xấu hổ khi mặc chúng. Từ quan điểm của một nhà tạo mẫu, tôi muốn đưa ra cách giải thích của riêng mình, biến một chiếc áo nịt ngực chỉnh hình thành một đối tượng thiết kế”. Được thiết kế bằng các loại vải bền vững, bộ sưu tập của Emilia phù hợp cho cả nam và nữ.
Bộ sưu tập của Emilia đã giúp cô và những người khuyết tật khác tìm được tiếng nói của mình trong nỗ lực hòa nhập xã hội và giành được Giải thưởng Tài năng Vogue năm 2021. Các nhà thiết kế trẻ đến từ các trường thời trang danh tiếng nhất ở Italy đã gửi những thiết kế hoàn chỉnh của họ tới sự kiện. Các thiết kế được đánh giá dựa trên khả năng hiển thị, tính sáng tạo, mức độ liên quan và sự đổi mới.