Thiết kế mở của sách giáo khoa mới: Giáo viên cần chủ động và linh hoạt
SGGP
Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT thực hiện chương trình, sách giáo khoa (SGK) mới với lớp 1. Trải qua hơn 3 tuần dạy và học, nhiều phụ huynh cho rằng chương trình học của trẻ nặng nề, khi các con tiếp nhận khối lượng kiến thức quá lớn. Trong khi đó, nhiều giáo viên lại cho rằng chương trình phù hợp với tâm lý; trẻ tiếp thu tốt, phát triển được nhiều kỹ năng, phù hợp phương pháp học hiện đại. Vậy đâu là câu trả lời chính xác?
Người than, người hài lòng
Nhiều phụ huynh than thở, con mới học lớp 1 được 3 tuần nhưng không ngày nào cô không nhắn tin báo cháu viết chậm, đọc chậm. “Mới học có 3 tuần mà cô đòi con phải đọc trơn tru cả câu luôn chứ không được đánh vần. Viết thì phải thẳng, đẹp, không nghiêng vẹo, lại còn là viết chữ hoa. Gia đình tôi nghe theo khuyến cáo của các chuyên gia giáo dục, không cho con học trước lớp 1 nên bây giờ cháu phải ngày ngày đánh vật sách vở cùng mẹ. Giáo viên bảo năm nay chương trình cải cách như vậy, cô trò đều khổ”, chị Trần Thị Kim Oanh, phụ huynh có con học trường tiểu học ở quận Hà Đông, Hà Nội, cho biết.
Tương tự, một số phụ huynh than, ở tuần thứ 4, các con đã phải đọc cả đoạn văn và hiểu cả đoạn văn để trả lời câu hỏi; như vậy là quá năng lực, khiến con học hành vất vả và sợ đi học. Đó là chưa kể mỗi ngày các con phải tập viết 1-2 trang, rồi còn phải biết đặt câu. Một số giáo viên lại nhận xét, SGK Tiếng Việt mới không có sự logic (chữ cái chưa học hết đã học các tiếng khó nghe như ng, ngh, qu, ph...), đòi hỏi tư duy quá cao so với lứa tuổi. Tuần đầu con mới học a, b, c..., mà tới tuần thứ 3 đã phải học hết các chữ khó như gh, ng, kh... và phải viết 2 dòng chữ không có dấu.
Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng thấy việc học của con là nặng nề. Chị Đinh Ánh Tuyết (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, con chị cũng thích SGK lớp 1 mới. “Lúc vừa tiếp xúc quyển sách, cháu có vẻ chưa quen nên hơi vất vả nhưng sau đó thì vô cùng trơn tru. Cháu làm quen nhanh với các vần, sau này nhìn vào có thể tự ghép âm mà không cần hướng dẫn. Trước đây, với SGK cũ, việc xếp vần rất khiên cưỡng: a xong phải tới ă, â... rồi mới tới b theo bảng chữ cái, trong khi về cơ bản các âm đó không liên quan gì nhau, muốn ghép vào thành một câu hoàn chỉnh cũng không được. Sách mới thì sau khúc đầu làm quen, trẻ sẽ bắt nhịp khá nhanh vì cách xếp vần, xếp âm thực tế hơn, không khuôn khổ bắt buộc theo trình tự a, ă, â, b, c... như trước nữa”, chị Tuyết nhận xét.
Tại Cà Mau, cô Hồng Thị Mừng, giáo viên Trường Tiểu học Huỳnh Thị Kim Liên (xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình), chia sẻ: “Ban đầu cũng lo khó tiếp cận được với sự thay đổi. Nhưng sau khi tập huấn, tôi đã chuẩn bị tinh thần tiếp thu sự thay đổi. Ngoài ra còn trao đổi kinh nghiệm với đồng nghiệp và thống nhất trong khối. Chương trình SGK mới tuy có thay đổi nhưng cũng dựa trên nền tảng cũ. Đi vào nội dung chương trình hơn 2 tuần, học sinh rất thích, trường cũng đã họp phụ huynh thống nhất cách dạy con em ở nhà”.
Nặng hay nhẹ phụ thuộc giáo viên
Trước các ý kiến tranh luận, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT, cho rằng, chương trình lớp 1 được triển khai chưa đầy 1 tháng, chưa có căn cứ để đánh giá là “nặng”. Bộ GD-ĐT cũng chưa nhận được phản ánh chính thức từ cơ sở giáo dục, giáo viên, nhà khoa học. Theo ông, chương trình mới có quy định chuẩn đầu ra và khung thời lượng năm học rất rõ ràng. Với môn Tiếng Việt, chuẩn đầu ra nêu rõ 1 phút học sinh phải đọc được bao nhiêu từ, việc đọc viết ra sao. Để đạt chuẩn đó, học sinh sẽ học 420 tiết. Các SGK Tiếng Việt đã được thẩm định cũng dựa trên khung thời lượng và chuẩn đầu ra để thiết kế cho phù hợp nhằm đi đến cái đích đó. “So với chương trình lớp 1 cũ, nội dung chương trình Tiếng Việt mới có phần tinh giản hơn nhưng thời lượng được kéo dài hơn, tăng từ 350 lên 420 tiết. Như vậy, về mặt khoa học, học sinh không hề phải học nặng hơn”, ông Thái Văn Tài đánh giá.
Tuy nhiên, ông Thái Văn Tài thừa nhận, chương trình mới có điều chỉnh dựa trên quan điểm là cố gắng giúp học sinh đọc thông viết thạo sau khi học xong lớp 1 để từ đó có thể học tốt các môn khác. Do đó, dù kiến thức không cao hơn chương trình hiện hành, nhưng môn Tiếng Việt lớp 1 đã tăng thời lượng lên 420 tiết (chương trình hiện hành là 350 tiết), trong khi Toán chỉ xếp 70 tiết ở lớp 1. “Bộ GD-ĐT đã trao quyền tự chủ chuyên môn của giáo viên. Chương trình giáo dục phổ thông mới quy định chuẩn đầu ra, thời lượng môn học, SGK tạo đường hướng cho giáo viên để đạt chuẩn đâu ra đó. Vì vậy, giáo viên phải phân tích chương trình, SGK để xây dựng kế hoạch dạy học làm sao để học sinh đạt được chuẩn đầu ra... Chương trình mới nói chung và chương trình lớp 1 nói riêng được thiết kế mở. Vì thế, ngay trong quá trình thực hiện, các nhà trường, giáo viên có thể chủ động thực hiện linh hoạt, chỉ cần đảm bảo yêu cầu cần đạt của môn học. Những điểm bất hợp lý thuộc về chương trình, SGK có thể có ý kiến, góp ý. Bộ GD-ĐT sẽ tiếp thu, lắng nghe và có điều chỉnh, bổ sung hợp lý”, ông Thái Văn Tài cho biết.
* GS NGUYỄN MINH THUYẾT, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới
Việc dạy hết chữ và vần trong học kỳ 1 xuất phát từ thiện chí cho học sinh biết đọc, biết viết sớm để còn học các môn khác. Việc học nhẹ hay nặng một phần do cách dạy của giáo viên. Thực tế, có nhiều giáo viên tự ý nâng cao chương trình. Chương trình môn Tiếng Việt lớp 1 mới không phải không coi trọng mà không đặt quá cao yêu cầu tập viết. Theo quy định, thời gian học đọc là 60%, viết chỉ 25%, còn lại là dành cho việc rèn các kỹ năng nghe, nói và kiểm tra đánh giá. Nếu giáo viên quá chú trọng vào viết chữ, bắt học sinh luyện viết thật nhiều thì sẽ làm cả thầy lẫn trò vất vả.
* Ông NGUYỄN VĂN HIẾU, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM: Không gây quá tải, áp lực lên học sinh
Chương trình giáo dục phổ thông mới, cụ thể là lớp 1 hiện nay, khiến một số học sinh gặp khó trong tiếp cận chương trình xuất phát từ nguyên nhân khách quan là do thời gian học kỳ 2 năm học 2019-2020 bị rút ngắn, học sinh mầm non 5 tuổi chưa được tiếp cận đầy đủ chương trình giáo dục mầm non 5 tuổi, trong đó có nội dung làm quen chữ viết. Thêm vào đó, đầu năm học 2020-2021, do tiếp tục ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên các trường tiểu học không có 2 tuần lễ tập trung trước khai giảng như các năm học trước để rèn nề nếp, hướng dẫn học sinh cách cầm bút, làm quen với con chữ nên khi vào bước vào năm học, giáo viên phải cùng lúc thực hiện nhiều nhiệm vụ dạy học.
Về áp lực đối với môn Tiếng Việt, theo tôi cũng có một phần xảy ra ở những lớp học có sĩ số học sinh vượt quá chuẩn cho phép. Nhà trường cần nắm bắt những khó khăn mà giáo viên, học sinh đang gặp phải để tìm biện pháp tháo gỡ. Đối với những lớp học có sĩ số học sinh đông, giáo viên có thể cân nhắc chia nhỏ đối tượng học sinh để kịp thời sâu sát, hướng dẫn, tư vấn cho phụ huynh phối hợp rèn thêm kỹ năng đọc, viết cho học sinh tại nhà. Như vậy, để thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới, mỗi nhà trường phải chủ động điều chỉnh kế hoạch dạy học sao cho phù hợp với từng đối tượng học sinh, chủ động thiết kế bài dạy sao cho tạo được sự hứng thú. Từ đó, nâng cao hiệu quả tiếp nhận kiến thức cho học sinh, không được gây quá tải, nhận xét hay phê bình, tạo thêm áp lực cho học sinh và phụ huynh.
* Cô HUỲNH THỊ THU NGUYỆT, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng): Nội dung phù hợp với sự phát triển của tâm lý học sinh
Cả 2 chương trình SGK mới và cũ đều có mục tiêu là giúp học sinh biết và vận dụng 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Đối với chương trình mới, các học phần giảng dạy sẽ “tiến tới” nhanh hơn, nặng hơn, không bị dàn trải như chương trình cũ. Thay vì tuần 23 kết thúc học phần thì với chương trình mới tuần 18 đã kết thúc. Tuy nhiên, nội dung phù hợp với sự phát triển của tâm lý học sinh hiện nay. Với chương trình mới, các em học và đánh vần với từng chữ cái của bài và nhận diện trực quan những hình ảnh liên quan đến chữ cái đó. Có thể là cùng một hình ảnh, các em sẽ tự sáng tạo nhiều câu hay giọng điệu với ngôn ngữ của bản thân chính các em.
Hiện nay các em phát triển ngôn ngữ khá nhanh. Các em sẽ được nhận diện âm chữ cái và viết bảng con qua sự hướng dẫn của giáo viên và nói và viết âm chữ cái, từ đó các em sẽ tự nhận diện và sáng tạo. Đối với môn Tiếng Việt, từ những bức tranh trực quan sinh động, các em sẽ nhận diện âm mới mà mình sẽ học hoặc tìm ra từ tương ứng với nội dung đã học. Phương pháp này trực quan sinh động kích thích sự tìm tòi, sáng tạo.
Trường Tiểu học Núi Thành đã chọn bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống là bộ sách chỉ có kênh hình ảnh và kênh chữ viết dành cho học sinh. Từ đó, thầy cô sẽ phải tự nghiên cứu để đưa ra phương pháp phù hợp khi giảng dạy học sinh.
* Anh NGUYỄN VĂN ĐIỆN, phụ huynh có con học lớp 1 Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng): Phải thoát khỏi lối mòn tư duy của cá nhân
Con tôi học lớp 1 và tiếp cận môn tiếng Việt rất tốt và nhẹ nhàng. Ngoài học 2 buổi/ngày, ban đêm về nhà cháu không làm thêm bài tập hay học thêm gì nữa, chỉ tập viết các nét luyện chữ cho thẳng hàng, đều, đẹp thôi.
Sở dĩ nhiều phụ huynh ta thán, nhất là trên mạng xã hội, về chương trình tiếng Việt lớp 1 quá nặng so với năng lực của các em là do phụ huynh chưa nắm được phương pháp mới của SGK Tiếng Việt 1 hiện nay, trong khi hầu hết phụ huynh được học chương trình cũ với phương pháp hoàn toàn khác. Việc phụ huynh lấy mình ra làm thước đo để nói rằng SGK Tiếng Việt mới có kiến thức quá nặng là không phù hợp vì theo tâm lý lứa tuổi, với một đứa trẻ 6 tuổi, việc tiếp nhận ngôn ngữ mẹ đẻ và ngoại ngữ diễn ra rất nhanh, gấp rất nhiều lần so với người trưởng thành do bộ nhớ trong đầu là hoàn toàn mới, dữ liệu chứa trong đó chưa nhiều. Điều đó giống như người đã đi quen một con đường hai chiều, chật chội, đông đúc nhưng lại thấy hoàn toàn dễ chịu, trong khi cũng con đường đó, phân luồng một chiều, đường rộng rãi hơn, ít lộn xộn hơn nhưng do quen đường cũ sẽ dễ cảm thấy bức bối vì chưa thích nghi kịp với sự thay đổi. Nhưng người lần đầu đi con đường một chiều đó thì thấy hoàn toàn bình thường.
Vì vậy, các bậc phụ huynh muốn dạy tiếng Việt cho con đang học lớp 1 thì không chỉ phải nghiên cứu trước nội dung và phương pháp dạy học mà còn phải thoát ra khỏi lối mòn tư duy của cá nhân. Ngay cả giáo viên khi tiếp cận với bộ SGK mới cũng cảm thấy nặng, nhưng khi nắm được phương pháp, mọi việc sẽ trở nên dễ chịu và dễ dàng hơn. Thực tế, cái mới và cái cũ luôn luôn mâu thuẫn, thậm chí xung đột nhau, nhiều khi bác bỏ nhau. Vậy nên, việc áp dụng SGK mới là cần thiết. Nếu Bộ GD-ĐT cho thí điểm trước khi đưa vào chính thức thì phụ huynh sẽ không bị sốc vì sự thay đổi quá đột ngột.