Sở dĩ việc chống tham nhũng hay các luật lệ quy định về phương thức chống tham nhũng chưa như mong đợi của xã hội là vì nó liên quan đến gần như một đối tượng nhiều nhất, đó là quan chức. Những người thực hiện loại tội phạm này gần như không hành động một mình như những loại tội phạm khác (như trộm cắp hay cướp giật), bởi không ai một mình có thể tham nhũng nếu không có sự giúp sức, cộng tác từ những người khác thuộc khu vực công lẫn khu vực tư nhân.
Do đó, để Luật Phòng chống tham nhũng thực sự đi vào thực tiễn và việc chống tham nhũng thật sự đạt hiệu quả như mong đợi, chúng ta cần phải nhận diện thật rõ những đối tượng phạm tội tiềm năng là ai, phương thức thực hiện hành vi tham nhũng là như thế nào. Từ đó, chúng ta mới có thể đề ra được các giải pháp phòng chống tham nhũng một cách có hiệu quả được.
Chẳng hạn, nếu đã đồng ý rằng tội phạm tham nhũng chỉ liên quan đến đối tượng chủ yếu nhất là giới cán bộ công chức, vậy thì giải pháp cần thiết là gì để giới này không thể, không dám và không muốn phạm tội như chúng ta thường nói. Việc kêu gọi sự tu dưỡng, rèn luyện của bản thân cán bộ công chức liệu có phải là giải pháp hữu hiệu hay không. Câu trả lời có lẽ là không, vì thực tế tình trạng tham nhũng vẫn diễn ra và vẫn đang là một trong những nguy cơ chính yếu dẫn đến tình trạng tụt hậu của đất nước.
Một trong những việc cần làm là phải có sự giám sát quyền lực chéo trong bộ máy để ngăn chặn tình trạng một người tích tụ quá nhiều quyền lực và tự do hành động, tức phải thiết kế lại cách vận hành của bộ máy thì mới có thể chống tham nhũng hiệu quả như mong đợi.
Một vấn đề quan trọng khác là việc áp dụng các trình tự pháp lý đối với tội tham nhũng trong thời gian qua là vô cùng chậm chạp, để đưa ra tòa một vụ án, gần như chúng ta phải trải qua rất nhiều công đoạn khác nhau. Do đó, để chống tham nhũng hiệu quả thì phải cải cách các thủ tục pháp lý liên quan đến tội phạm tham nhũng sao cho việc đưa ra tòa án phải nhanh hơn so với thực tế đã và đang diễn ra.
Như đã nói trên, tội phạm tham nhũng không thể do một mình một cá nhân nào có thể tự mình thực hiện được nếu không có sự cấu kết, giúp sức từ nhiều nguồn khác. Do đó, Luật Phòng chống tham nhũng phải làm sao phá được sự liên minh giữa các bên có liên quan trong những lĩnh vực có nguy cơ dẫn đến tham nhũng cao, thì lúc đó mới có thể ngăn ngừa tham nhũng một cách có hiệu quả được.
Người dân vẫn tiếp tục mong mỏi Nhà nước, Chính phủ có những giải pháp hữu hiệu hơn nữa trong việc phòng chống tham nhũng, bởi chính người dân và đất nước là những người phải gánh chịu hậu quả của loại tội phạm này.