Thiệt hại từ vụ lở núi do động đất ở Hà Nội

Ngày 26-3, UBND xã Cao Dương, huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) đã có báo cáo về thiệt hại do trận động đất 4 độ richter - tâm chấn tại huyện Mỹ Đức (Hà Nội) gây ra.

Các chuyên gia địa chấn và nhiều người dân thông tin, mặc dù tâm chấn của trận động đất 4 độ richter thuộc huyện Mỹ Đức (Hà Nội) nhưng đã gây rung chấn tới nhiều khu vực lân cận như: huyện Ứng Hòa và Chương Mỹ (Hà Nội); huyện Kim Bôi, Lương Sơn, Lạc Thủy (Hòa Bình); huyện Kim Bảng (Hà Nam)…

IMG_7722.jpeg
Đá núi trên đỉnh rơi xuống

Theo UBND xã Cao Dương, huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình), địa phương đã nhận được thông tin, hộ gia đình ông Nguyễn Xuân Viễn ở thôn Om Làng (xã Cao Dương) bị đá lở rơi, lăn vào nhà gây thiệt hại nặng về tài sản do trận động đất gây ra.

Thời điểm xảy ra động đất và lở đá, không có người trong nhà nên không gây nguy hiểm cho người.

IMG_7716.jpeg
Vệt sạt lở ở xã Cao Dương

Sau khi nhận thông tin, UBND xã Cao Dương đã thành lập tổ công tác đến các hộ gia đình kiểm tra hiện trường. Kết quả cho thấy có 3 điểm sạt lở đá. Trong đó, điểm sạt lớn nhất là đỉnh núi đá sau nhà ông Viễn (vệt sạt lở rộng khoảng 10-20m, chạy dài hàng chục mét). Nhà ông Viễn bị các tảng đá lớn (kích thước 1x2m) sạt lở gây sập một góc nhà chính, toàn bộ nhà bếp, chuồng heo và chuồng dê.

IMG_7720.jpeg
Nhà ông Viễn bị đá lăn làm bay một góc

Thống kê sơ bộ tài sản tại hiện trường, gia đình ông Viễn bị thiệt hại gồm: đàn dê 25 con đang nhốt trong chuồng bị đè chết, gãy chân; tủ lạnh, máy lọc nước, bình đựng nước, bếp ga, giường, tủ phòng ngủ và xe máy bị hư hỏng toàn bộ.

IMG_7717.jpeg
Hiện trường vụ sạt lở
IMG_7719.jpeg
Vụ sạt lở gây thiệt hại nặng về tài sản của gia đình ông Viễn. Hình ảnh do người dân chia sẻ

Thông tin từ Công an xã Cao Dương, sáng 25-3, trên địa bàn xã Cao Dương không có mỏ đá nào nổ mìn. Mặc dù vậy, theo tìm hiểu của PV Báo SGGP, hiện trên địa bàn xã Cao Dương có nhiều mỏ đá hoặc khu vực khai thác đá làm vật liệu xây dựng. Một số khu khai thác đá nằm gần khu dân cư hoặc đường giao thông. Một số hộ dân làm nhà cửa gần khu vực núi đá, thậm chí ngay dưới chân núi đá.

Do đó, nguy cơ rủi ro là rất cao khi có động đất xảy ra. UBND xã Cao Dương đã ban hành văn bản đề nghị các mỏ đá trên địa bàn dừng hoạt động nổ mìn để kiểm đếm và khắc phục thiệt hại do lở đá trong trận động đất gây ra.

IMG_7721.jpeg
Những tảng đá lớn rơi xuống khu nhà ở

UBND xã Cao Dương yêu cầu gia đình ông Nguyễn Xuân Viễn không được tiếp tục sử dụng nhà cũ để ở. Do điều kiện gia đình nhiều khó khăn, địa phương đã đề nghị UBND huyện cùng các phòng ban quan tâm, có nguồn kinh phí phù hợp hỗ trợ cho gia đình sớm ổn định đời sống.

Như Báo SGGP đã đưa tin, Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) thông tin, vào hồi 8 giờ 5 phút 35 giây (giờ Hà Nội) ngày 25-3, một trận động đất có độ lớn 4 độ richter đã xảy ra tại vị trí có tọa độ 20,77 độ vĩ Bắc - 105,72 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 16km, thuộc huyện Mỹ Đức (Hà Nội).

Theo các chuyên gia địa chấn, đây là trận động đất có tâm chấn hiếm khi xảy ra tại khu vực này. Thông tin về trận động đất này, TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết, Hà Nội nằm trong vùng đứt gãy sông Hồng - sông Lô - sông Chảy, các đứt gãy sinh chấn vẫn hoạt động. Khi các đứt gãy này tích tụ đủ năng lượng thì phát sinh động đất.

Theo chuyên gia địa chấn này, vùng đứt gãy sông Hồng - sông Lô - sông Chảy từng xảy ra động đất trong quá khứ. Tại Hà Nội, vào thế kỷ XII, một trận động đất mạnh cấp 8 xảy ra đã làm bia chùa Báo Thiên bị vỡ làm đôi. Quy luật động đất do các đứt gãy sinh chấn ở vùng đứt gãy sông Hồng - sông Lô - sông Chảy có tần suất vài trăm năm đến 500-700 năm mới có một lần xảy ra trận động đất mạnh.

Còn theo PGS-TS Nguyễn Hồng Phương, chuyên gia về động đất thuộc Viện Vật lý địa cầu, động đất tại huyện Mỹ Đức ngày 25-3 nằm cách đới đứt gãy sông Hồng chỉ khoảng 1,8km - là nguồn phát sinh động đất, chạy cắt qua địa phận TP Hà Nội. Đây là đứt gãy kéo dài đến hơn 1.000km bắt nguồn từ Vân Nam (Trung Quốc) chạy đến miền Bắc Việt Nam. Đứt gãy này đang trong thời kỳ ngủ yên và kỷ nguyên này kéo dài khoảng vài ngàn năm. Do đó, dọc theo đới đứt gãy này chỉ phát sinh những trận động đất trung bình hoặc nhỏ.

Tin cùng chuyên mục