Thiệt hại từ 3 khu đô thị “treo” tại Nam Định

Thiệt hại từ 3 khu đô thị “treo” tại Nam Định

Báo Sài Gòn Giải Phóng ra ngày 1-9-2006 đã có bài “Chính sách đổi đất lấy hạ tầng – bài học của Hải Dương”, phản ánh về việc tỉnh Hải Dương đã có nhiều quyết sách làm lợi cho nhà đầu tư là Công ty Nam Cường, gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng cho ngân sách.

Cùng thời điểm ấy, tại Nam Định, lãnh đạo tỉnh này cũng nhiệt tình ủng hộ Nam Cường tiếp tục là chủ đầu tư của 3 khu đô thị Hòa Vượng (Tây Bắc TP Nam Định), Thống Nhất, Mỹ Trung. Thậm chí, việc phê duyệt quy hoạch chi tiết khu đô thị mới Hòa Vượng với tổng diện tích 114ha còn được ký cả trong ngày nghỉ Tết Dương lịch.

  • Rượu cũ, bình mới

Tỉnh Nam Định có chủ trương đầu tư xây dựng 3 khu đô thị Hòa Vượng (Tây Bắc thành phố), Thống Nhất, Mỹ Trung. Cả 3 khu đô thị này đều được UBND tỉnh Nam Định giao cho Công ty Nam Cường làm chủ đầu tư và cũng thực hiện theo phương thức đổi đất lấy hạ tầng.

Cũng giống như ở Hải Dương, Nam Cường lại được tỉnh Nam Định đồng tình cho biến đường “vào” của Chính phủ cho phép thành đường “trong” khi xây dựng khu đô thị Hòa Vượng.

Thiệt hại từ 3 khu đô thị “treo” tại Nam Định ảnh 1

Khách sạn Hòa Vượng mà chủ đầu tư chỉ trả 130.000 đồng/m2 hiện trong tình trạng hoang hóa toàn bộ.

Cụ thể là, ngày 11-6-2003, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 624/QĐ-TTg, giao đất đường “vào” Khu Thương mại – Dịch vụ và Đô thị mới Tây Bắc, TP Nam Định, tỉnh Nam Định (Khu đô thị Hòa Vượng) theo phương thức đổi đất lấy hạ tầng. Theo đó tuyến đường “vào” gồm 2 con đường: đường 33m khởi đầu từ bến ô tô mới giáp Tỉnh đội, đường 45m khởi đầu từ quốc lộ 10.

Hiện tại, tuyến đường 33m nằm ở vị trí đúng nghĩa là đường “vào” nhưng tuyến đường 45m không phải là đường “vào” mà là đường “trong” khu đô thị.

Cũng giống như các tuyến đường “vào” tại khu đô thị Đông và Tây Hải Dương, tuyến đường rộng 45m tại Khu Đô thị Hòa Vượng đã được UBND tỉnh Nam Định cùng Công ty Nam Cường đặt vào “trong lòng” Khu Đô thị Hòa Vượng và nghiễm nhiên trở thành đường nội bộ của Khu Đô thị Hòa Vượng. Lẽ ra tất cả đường nội bộ trong Khu đô thị Hòa Vượng phải được đầu tư bằng chính nguồn vốn của Công ty Nam Cường.

Đặc biệt, ngày 9-4-2003, tỉnh Nam Định ra Quyết Định số 762/2003/QĐ-UB (thay thế Quyết định số 1385/2002/QĐ-UB trước đó về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể mặt bằng xây dựng khu đô thị mới Hòa Vượng), điều chỉnh 2 tuyến đường sao cho nó dẫn đến một vị trí gặp nhau rất đẹp. Tại “vị trí vàng” này, tỉnh quyết định cho phép Nam Cường đặt một khách sạn 11 tầng, diện tích 3ha!

Nhưng với Quyết định 998/2004/QĐ-UB ngày 12-5-2004, UBND tỉnh Nam Định lại phê duyệt diện tích xây dựng khách sạn của Công ty Nam Cường tăng lên gấp 4 lần, thành 12,6ha và tăng từ 11 tầng lên 20 tầng. Điều đáng nói là khách sạn “phình” ra này đã chiếm mất khu vui chơi giải trí của Công viên Tức Mạc – lá phổi xanh của Nam Định tại khu trung tâm thành phố, một dự án được chính UBND tỉnh Nam Định quyết định xây dựng và đã phê duyệt dự án.

Sự này đã khiến nhiều người dân Nam Định đến nay vẫn khiếu kiện vượt cấp lên Trung ương. Nam Định báo cáo với Chính phủ rằng, khi trừ tổng mức vốn đầu tư vào 2 tuyến đường chính trong Khu Đô thị mới Hòa Vượng, tỉnh Nam Định còn nợ Công ty Nam Cường 16,363 tỷ đồng. Vì thế, tỉnh phải “linh hoạt” cắt đất công viên để bù cho Nam Cường xây khách sạn.

Năm 2004, Chính phủ cho phép Nam Định đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các Khu Đô thị mới Mỹ Trung và Thống Nhất. Hạ tầng ở đây được nói rõ là “đường nội bộ” của 2 khu đô thị này chứ không phải là “đường vào” như ở Khu đô thị Hòa Vượng.

Ngày 12-5-2004, UBND tỉnh Nam Định có Quyết định số 999/2004/QĐ-UB phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi xây dựng một số tuyến đường chính trong Khu Đô thị mới Thống Nhất. Theo quyết định này, hạ tầng để đổi lấy đất không phải là hệ thống hạ tầng của toàn bộ 2 khu đô thị nêu trên như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 490/CP-NN ngày 9-4-2004, mà chỉ là 2 tuyến đường có mặt cắt 33m và 52m thuộc Khu Đô thị Thống Nhất.

Như vậy, khi Chính phủ cho làm đường “vào” thì UBND tỉnh Nam Định lại biến thành đường “trong” (ở khu Hòa Vượng). Khi Chính phủ cho làm đường “trong” thì UBND tỉnh Nam Định chỉ cho làm một phần nhỏ chứ không thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ (ở khu Thống Nhất)!?

  • 4.000 tỷ đồng thiệt hại đổi lấy 3 khu đô thị “treo”

Cũng giống như ở Hải Dương, đất ở Nam Định được bán với giá rất rẻ cho Nam Cường, chỉ với 60.000 đồng/m2. Việc định giá đất này đã trở thành giai thoại ở Nam Định khi ngày 1-7-2003, Hội đồng định giá đất của tỉnh ấn định là 65.000 đồng/m2, thì chỉ sau đó 1 ngày, đại diện Hội đồng định giá đất (ông Hoàng Đinh Kha – Giám đốc Sở Xây dựng) cùng với đại diện chủ đầu tư (ông Trần Văn Cường – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Nam Cường) đã cùng nhau thống nhất lại giá đất chỉ còn 60.000 đồng/m2.

Lý do của việc này được ông Kha và ông Cường nêu tại biên bản ngày 2-7-2003 (do 2 ông ký với nhau) là “để phù hợp với các yếu tố đầu vào và đầu ra, giảm bớt khó khăn cho dự án” (?).

Việc áp giá như trên đã không tuân thủ Quyết định 22 của Bộ Tài chính và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 730/QĐ-TTg. Điều 3 của quyết định nêu rõ: “Căn cứ vào hướng dẫn của Bộ Tài chính, định giá đất tại khu đất giao cho chủ đầu tư… để làm căn cứ quyết định thanh toán cụ thể cho chủ đầu tư diện tích đất có giá trị tương đương với giá trị chủ đầu tư đã bỏ vốn xây dựng…”. Đến nay, theo tính toán của Bộ Tài chính, số đất mà Nam Định “bán rẻ” cho Nam Cường đã làm ngân sách mất đi khoảng 4.000 tỷ đồng.

Điều đang gây bức xúc trong nhân dân tỉnh Nam Định, đặc biệt là những vùng có quy hoạch cho 3 khu đô thị Hòa Vượng, Thống Nhất, Mỹ Trung, là tình trạng “treo” của các dự án. Theo ghi nhận của phóng viên (về tận nơi xem xét), Khu Đô thị Thống Nhất được ấn định thời gian hoàn thành vào năm 2005, hiện nay hoang hóa gần như toàn bộ. Dự án Khách sạn Hòa Vượng, Khu Đô thị Mỹ Trung cũng nằm trong cảnh tương tự.

Khi tiếp xúc với phóng viên, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Minh Oanh cũng không thể phủ nhận thực tế các khu đô thị của Nam Cường và hứa sẽ nhanh chóng xem xét, rà soát lại tất cả các loại văn bản “có vấn đề” nêu trên trong thời gian sớm nhất để báo cáo Chính phủ. 

ĐẶNG PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục