Dân - doanh đều khổ
Dự án Khu nhà ở Thanh Niên do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Thanh Niên (40 Hoàng Việt, quận Tân Bình, TPHCM) bắt đầu triển khai từ đầu năm 2001, với quy mô 35ha tại xã Phước Lộc (huyện Nhà Bè).
Theo quan sát của phóng viên Báo SGGP, đến nay dự án đã được làm đường nội bộ kết nối với đường khu dân cư hiện hữu, một số cây xanh cảnh quan đã được trồng… Tuy nhiên, chủ đầu tư vẫn không thể triển khai việc kinh doanh.
Nguyên nhân do toàn bộ dự án vẫn còn 9.000m2 chưa thỏa thuận được giá đền bù (gồm 7 hộ dân sống rải rác nên tạo ra tình trạng “da beo”).
Tìm đến ngôi nhà của ông Hiệp - một trong 7 hộ dân còn bám trụ tại dự án - sau những con đường quanh co, cỏ mọc um tùm ở ấp 3, ông Hiệp cho biết khu đất 5.000m2 hiện nay gia đình ông cư ngụ được ông bà khẩn hoang hơn 30 năm trước.
Theo ông Hiệp, từ khi dự án được triển khai, chủ đầu tư chỉ mời ông một, hai lần lên xã gặp để trao đổi việc đền bù nhưng không có kết quả rồi thôi. Hiện gia đình ông có 5 người con, một người có gia đình đã ra riêng, còn 4 người vẫn đang ở cùng cha mẹ.
Dự án khu nhà ở của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Thanh Niên kéo dài gần 20 năm do vướng đền bù giải tỏa
“Nguyện vọng của chúng tôi là đền bù thỏa đáng để có tiền lo mỗi đứa con một nền nhà cho chúng ở riêng, chứ chẳng muốn ở trong cảnh khổ sở như thế này”, vợ ông Hiệp chia sẻ.
Quả thật, nếu người lạ thì chắc không có mấy người dám băng qua những con đường vắng lặng, cỏ mọc um tùm để đi vào nhà ông Hiệp. Căn nhà lọt thỏm trong ngôi vườn cây cối um tùm, xung quanh cách trở…
Theo đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) huyện Nhà Bè, hiện nay bà con đòi giá đền bù 10 - 15 triệu đồng/m2 đất nông nghiệp, phía chủ đầu tư cho rằng giá không hợp lý nên chưa thỏa thuận được.
Đây không phải là trường hợp cá biệt “cả hai đều khổ” khi dự án lâm vào tình cảnh kéo dài từ năm này sang năm khác.
Theo thống kê tại huyện Nhà Bè, hiện nay có nhiều dự án nhà ở chủ đầu tư bồi thường dở dang nhưng đã bị hủy chủ trương đầu tư, như khu dân cư xã Phước Kiển của Công ty cổ phần Phát Đạt, khu nhà ở xã Phước Kiển của Công ty cổ phần Đầu tư Minh Thành, khu dân cư xã Phước Kiển của Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng Tân Thuận…
Tình trạng trên làm cho doanh nghiệp “kiệt sức”, người dân mỏi mệt “đi cũng dở mà ở cũng không xong”.
Cá biệt, toàn bộ xã Hiệp Phước được quy hoạch thành khu đô thị cảng, riêng phần cảng đã có chủ đầu tư nhưng phần đô thị với diện tích quy hoạch 1.531ha hiện nay chưa có chủ đầu tư. Huyện Nhà Bè đang kiến nghị TP để tháo gỡ khó khăn tại dự án này.
Tìm giải pháp căn cơ
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhận định, tình trạng các dự án chậm triển khai kéo dài vừa gây lãng phí tài nguyên đất vừa làm cho bộ mặt đô thị nhếch nhác.
Bên cạnh nguyên nhân nói trên, còn có nguyên nhân là do các chủ đầu tư sau khi có dự án đã không triển khai mà đem chuyển nhượng lòng vòng, trong đó “điểm nóng” là huyện Nhà Bè.
Ông Nguyễn Văn Trường, Phó Chủ tịch HĐND huyện Nhà Bè, cho biết nhiều nhà đầu tư xí đất rồi không hoặc chậm triển khai dự án, gây lãng phí tài nguyên đất rất lớn; tình trạng giá bồi thường tại các dự án nhà ở cũng còn nhiều bất cập, chưa tiệm cận với thị trường khiến người dân bức xúc, khiếu nại kéo dài, gay gắt.
Ông Trường phân tích: “Chúng ta nói lấy giá chuyển nhượng từ các hợp đồng để so sánh rồi áp giá đền bù cho dân tại các dự án để gọi là sát giá thị trường. Nhưng thực tế người dân khi chuyển nhượng nhà, đất thường ghi trên hợp đồng thấp hơn giá thực tế rất nhiều. Do đó, vấn đề này cần tính toán lại cho chính xác hơn, việc lấy giá nghiên cứu cũng cần liên tục và thời điểm hợp lý, để cả người dân lẫn chủ đầu tư đều tâm phục”.
Ông Võ Phan Lê Nguyễn, Trưởng Phòng TN-MT huyện Nhà Bè, kiến nghị đối với những dự án không sử dụng ngân sách nhà nước (chủ yếu là các dự án nhà ở) đang đền bù dở dang, chủ trương đầu tư còn hiệu lực, nhưng vướng công tác đền bù và các thủ tục pháp lý nên chưa hoàn thành, chưa triển khai, thì cần có chính sách tháo gỡ những vướng mắc trong công tác bồi thường và quy trình triển khai dự án; có quy định, chế tài, giám sát chủ đầu tư; kiến nghị các cơ quan cấp trên cho phép lập phương án bồi thường, thu hồi đất đã thỏa thuận diện tích lớn; kiên quyết thu hồi những dự án mà chủ đầu tư yếu năng lực.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cho biết sẽ khảo sát thêm nhiều quận, huyện khác để rà soát lại việc triển khai các dự án nhằm chấn chỉnh, kiến nghị UBND TPHCM xử lý, chấm dứt các dự án đã kéo dài quá lâu, chủ đầu tư yếu năng lực không thể triển khai.
Tại huyện Nhà Bè, đối với các dự án phải thu hồi đất của dân, theo ông Thắng, bên cạnh giá bồi thường, cần xem thêm chính sách hỗ trợ để làm thế nào cho người dân đồng thuận.
Đối với những dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước đã có phương án bồi thường được duyệt trước thời điểm Luật Đất đai 2013 có hiệu lực nhưng chưa triển khai, huyện cần rà soát lại xem có còn phù hợp hay không, có bất cập gì không để báo cáo TP.
Đối với các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách xin gia hạn chủ trương đầu tư, cần thẩm định thật kỹ năng lực của chủ đầu tư, công khai cho dân biết; nếu không đảm bảo thì kiên quyết thu hồi dự án.