Chương trình có sự tham dự của TS.LS Đỗ Ngọc Thịnh (đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam), cùng với các luật sư trực tiếp tư vấn gồm: TS.LS Phan Trung Hoài, Luật sư Trương Trọng Nghĩa, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Luật sư Trương Thị Hòa, Luật sư Nguyễn Văn Hòa, Luật sư Trần Mỹ Thoa, Luật sư Vũ Phi Long, Luật sư Bùi Quang Nghiêm.
Tại buổi tư vấn trực tuyến của Đoàn Luật sư TPHCM, TS.LS Đỗ Ngọc Thịnh (đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam) đã gửi lời chúc sức khoẻ và thành công tới các luật sư trong hoạt động nghề nghiệp để phục sự cộng đồng và phụng sự công lý nhân kỷ niệm 76 năm Ngày truyền thống của Luật sư Việt Nam (10-10-1945 - 10-10-2021). Công tác tư vấn trợ giúp pháp lý, phổ biến pháp luật cho người dân của Đoàn Luật sư TPHCM trong 3 ngày qua là hoạt động rất có ý nghĩa, thiết thực của đội ngũ luật sư.
TS.LS Đỗ Ngọc Thịnh
Đây là hoạt động nối tiếp các chuỗi hoạt động của Đoàn Luật sư TPHCM trong suốt đợt dịch vừa qua đã hỗ trợ về tinh thần, vật chất cho lực lượng tuyến đầu chống dịch và người dân trên địa bàn TPHCM. Những hoạt động này thể hiện sự tri ân của giới luật sư với cộng đồng và đồng hành cùng TPHCM trong việc hỗ trợ giải quyết các khó khăn của người dân. Liên đoàn Luật sư Việt Nam luôn ủng hộ và phối hợp với Đoàn Luật sư TPHCM trong hoạt động tư vấn pháp luật nói riêng và các công tác khác trong suốt thời gian vừa qua.
Chương trình nhận được hàng chục ý kiến của người dân gửi đến các luật sư để tư vấn, tháo gỡ những vướng mắc khó khăn pháp lý trong cuộc sống, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến phòng, chống dịch, an sinh xã hội…
Trong đó, thực trạng hiện nay do ảnh hưởng dịch Covid-19, hàng loạt mặt bằng kinh doanh đóng cửa ngừng hoạt động trong thời gian dài. Do đó đã xuất hiện những tranh chấp giữa người cho thuê và người thuê. Luật sư Bùi Quang Nghiêm cho biết, giữa người cho thuê và người thuê thương lượng với nhau về vấn đề miễn hoặc giảm tiền thuê do dịch ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trên thực tế, luật sư cũng đã giúp bên cho thuê và bên thuê thương lượng giảm bớt 50% tiền thuê nhà. Nếu như hai bên không đạt được thỏa thuận thì hai bên có thể nhờ tòa án và cho rằng đây là trường hợp bất khả kháng.
Các luật sư tư vấn trực tuyến
Theo luật sư Trần Mỹ Thoa, trên nguyên tắc hai bên thương lượng, đàm phán trong tình hình ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh thì sự chia sẻ với nhau là đều rất đáng quý. Cơ bản là thương lượng, đàm phán, hòa giải để đi đến sự chia sẻ quyền lợi cho nhau trong bối cảnh ảnh hưởng chung của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên trong trường hợp hai bên không thương lượng được, vẫn giữ nguyên các quyền lợi thì bắt buộc phải có sự giải quyết tranh chấp. Căn cứ theo điều 420, điều 156 và điều 351 của Bộ luật Dân sự hiện hành để giải quyết tranh chấp trong trường hợp hai bên không thương lượng được.
Trao đổi thêm về vấn đề trên, luật sư Trương Thị Hòa cho biết, thương lượng, hòa giải là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Trong quá trình thực hiện hợp đồng có những khó khăn xảy ra thì hai bên cùng nhau thương lượng, hòa giải, nếu không không thương lượng hòa giải được thì mới nhờ đến tòa án hoặc trọng tài. Theo luật sư Trương Thị Hòa, người cho thuê nhà và người thuê cùng ngồi lại với nhau để thương lượng hòa giải là tốt nhất. Con số miễn giảm bao nhiêu là do các bên, tùy theo mỗi hoàn cảnh của mỗi để cùng nhau chia sẻ lúc khó khăn.