Thiết chế văn hóa thể thao: Vẫn vừa thừa vừa thiếu

Sáng 12-5, Hội thảo Văn hóa năm 2024 với chủ đề “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao” khai mạc tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc
HTVH 12-5.jpeg
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Media Quốc hội

Hội thảo do Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ VH-TT-DL và tỉnh Quảng Ninh phối hợp tổ chức.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; cùng hơn 300 đại biểu tham dự hội thảo.

LĐ QH CP.jpeg
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Media Quốc hội

Phát biểu đề dẫn, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho biết, đây là một trong chuỗi các hoạt động thiết thực để triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về khơi dậy, phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam; tinh thần của Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 về chấn hưng văn hóa dân tộc. Đây cũng là hội thảo về văn hóa thứ 2 do Quốc hội chủ trì, tiếp nối sự thành công của Hội thảo Văn hóa năm 2022.

Theo Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nhìn tổng thể, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao các cấp về cơ bản đã thực hiện tốt chức năng tổ chức các hoạt động chuyên môn và hướng dẫn nghiệp vụ, các câu lạc bộ sở thích, xây dựng và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao. Tuy nhiên, công tác quy hoạch cũng như sự vận hành của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao hiện nay còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, nhiều vướng mắc, khó khăn kéo dài chưa được khắc phục; được xây dựng theo kiểu "ăn đong".

Do chưa có cơ chế rõ ràng cho việc hợp tác công - tư trong xây dựng, khai thác các thiết chế văn hóa, thể thao nên chưa thu hút được các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hệ thống thiết chế này. Tình trạng vừa thừa, vừa thiếu các thiết chế văn hóa, thể thao diễn ra ở nhiều địa phương; một số thiết chế văn hóa, thể thao hoạt động kém hiệu quả, không thu hút được sự tham gia của người dân; gây lãng phí lớn ngân sách nhà nước.

ĐB dự 12.jpeg
Đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Media Quốc hội

Ngược lại, chúng ta cũng đang thiếu những thiết chế văn hóa, thể thao hiện đại, có thể trở thành những biểu tượng văn hóa của đất nước, của các địa phương…

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các đại biểu dự hội thảo tập trung thảo luận về hoàn thiện các văn bản pháp luật; quy hoạch thiết chế văn hóa, thể thao; quản lý, sử dụng, khai thác thiết chế văn hóa, thể thao; đầu tư kinh phí, huy động nguồn lực xã hội; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho thiết chế văn hóa, thể thao; tổ chức bộ máy, nhân sự và công tác đào tạo nguồn nhân lực.

Theo báo cáo của Bộ VH-TT-DL, bên cạnh những ưu điểm, hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao hiện vẫn tồn tại nhiều bất cập cả ở Trung ương và cơ sở các cấp.

Đơn cử, đối với hệ thống bảo tàng, ngày 23-6-2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 156/2005/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020. Tuy nhiên, sau gần 20 năm thực hiện, mới chỉ có Bảo tàng Dân tộc học được đầu tư xây dựng năm 2006, còn lại, các dự án đầu tư xây dựng các bảo tàng cấp quốc gia khác như (Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam) đều chưa thực hiện được theo lộ trình đề ra do không bố trí được nguồn vốn.

Cũng do thiếu kinh phí, các cơ sở nghệ thuật biểu diễn chưa được đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, kỹ thuật, phần lớn xuống cấp, lạc hậu và hư hỏng, chưa đáp ứng nhu cầu làm việc, tập luyện và biểu diễn. Hiện nay, còn 4 đơn vị có trụ sở làm việc nhưng chưa có cơ sở biểu diễn gồm Nhà hát Nhạc, Vũ kịch Việt Nam; Nhà hát Cải lương Việt Nam; Nhà hát Kịch Việt Nam; Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Các đơn vị này thường xuyên phải thuê địa điểm biểu diễn với nguồn kinh phí lớn. Ngược lại, có đơn vị đã có cơ sở biểu diễn nhưng lại chưa có trụ sở làm việc riêng như Nhà hát Chèo Việt Nam. Đặc biệt, Nhà hát Lớn Hà Nội chỉ là nơi biểu diễn nhưng không có đơn vị nghệ thuật, hiện trở thành địa điểm cho thuê để tổ chức biểu diễn…

Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật thể dục, thể thao cũng trong tình trạng tương tự. Ví dụ như Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội chỉ đáp ứng 50% nhu cầu tập luyện của vận động viên; tỷ lệ đáp ứng của Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia TPHCM còn thấp hơn, chỉ 30%.

Tin cùng chuyên mục