Trên địa bàn tỉnh Cà Mau có 101 trạm y tế xã, phường, thị trấn và phòng khám đa khoa khu vực. Bình quân mỗi trạm y tế bố trí 5 - 8 cán bộ, viên chức, ít nhất là một bác sĩ. Nhiều trạm được đầu tư từ Dự án nâng cấp cơ sở vật chất cho hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu của tỉnh Cà Mau (dự án AP, đa số được triển khai giai đoạn 2010-2017). Ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất, dự án AP còn đầu tư trang thiết bị y tế cho các trạm y tế trên địa bàn.
Thế nhưng, mới đây, qua giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Cà Mau, cho thấy nhiều bất cập. Có một số trang thiết bị không cần thiết nhưng vẫn được trang bị, không phát huy tính năng sử dụng, như: máy đếm giọt dịch truyền ở Trạm Y tế xã Tân Thuận; bộ đếm hồng cầu, máy đếm giọt dịch truyền ở Trạm Y tế xã Tân Đức.
Ngoài ra, Trạm Y tế xã Tân Lộc có các máy: siêu âm, đo điện tim, máy quay ly tâm, máy hút đàm, máy đếm giọt dịch truyền... đã hư hỏng; Trạm Y tế Khánh Thuận, Trạm Y tế xã Thới Bình, Trạm Y tế xã Trí Lực có nhiều thiết bị nhưng không có người sử dụng.
Không chỉ trạm y tế tuyến xã có thiết bị y tế “trùm mền”, mà các cơ sở y tế huyện, tỉnh cũng có thiết bị trị giá tiền tỷ cũng diễn ra như vậy.
Tại Trung tâm Y tế huyện Thới Bình, nhiều trang thiết bị bỏ không. Cụ thể như máy phân tích khí trong máu (giá 683 triệu đồng) chưa sử dụng do lượng bệnh cần sử dụng ít và hóa chất phục vụ máy có giá thành cao. Máy đốt cổ tử cung - cao tầng (giá 358 triệu đồng) chưa có người sử dung. Bộ phẫu thuật tiêu hóa (giá 341 triệu đồng), dao mổ điện cao tầng 300W HF (giá 257 triệu đồng) chưa sử dụng do chi phí sử dụng cao và chưa được thanh toán bảo hiểm. Máy laser điều trị (giá 259 triệu đồng), máy điều trị từ trường (giá 227 triệu đồng) và máy điều trị sóng ngắn (giá 366 triệu đồng) chưa có người sử dụng…
Giải thích lý do trang thiết bị y tế “trùm mền”, ông Quách Thành Nguyên, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thới Bình, cho biết: “Lý do nhiều thiết bị chưa sử dụng là một số bác sĩ trung tâm đưa đi đào tạo, khi xong thì bỏ việc. Ban Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thới Bình cũng đã quy hoạch, đưa đi đào tạo tiếp. Hiện đang đào tạo 7 bác sĩ về lĩnh vực các máy móc thiết bị chưa sử dụng. Dự kiến, đến tháng 9-2020, một số bác sĩ hoàn thành chương trình, khi về sẽ sử dụng những thiết bị đã mua. Số còn lại, đầu năm tới mới có đủ bác sĩ sử dụng”.
Ông Nguyên cũng thừa nhận, hướng vậy nhưng về lâu dài không biết các bác sĩ có tiếp tục gắn bó bệnh viện hay không?
Ngoài ra, theo kết luận thanh tra việc quản lý, sử dụng quỹ BHYT, mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư y tế, đấu thầu thuốc chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Cà Mau (giai đoạn từ tháng 1-2014 đến 9-2019) được công bố mới đây cho thấy, tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Cà Mau có 39 trang thiết bị y tế, tổng giá trị gần 7 tỷ đồng vẫn chưa đưa vào sử dụng (tại thời điểm thanh tra), gây lãng phí trong đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế.
Trước thực tế trên, Thanh tra tỉnh Cà Mau kiến nghị Đảng ủy Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh kiểm điểm trách nhiệm có hình thức kỷ luật ông Trần Văn Việt, nguyên giám đốc bệnh viện, trong việc đề xuất mua sắm trang thiết bị y tế chưa phù hợp với yêu cầu sử dụng thực tế, gây lãng phí trong đầu tư mua sắm trang thiết bị.