Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ vào tối 4-9, về vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản; nâng khống giá trị hệ thống thiết bị y tế đưa vào hợp đồng liên doanh, liên kết với Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an cho hay, kết quả điều tra bước đầu cho thấy một số cá nhân tại Công ty cổ phần Công nghệ y tế (BMS), công ty Cổ phần thẩm định giá và dịch vụ tài chính (VFS) có thủ đoạn gian dối, câu kết, hợp thức các thủ tục để nâng khống lên nhiều lần hệ thống thiết bị y tế.
Cụ thể, lắp đặt hệ thống robot hỗ trợ phẫu thuật thần kinh, tờ khai hải quan ghi nhận sản phẩm được nhập khẩu giá 7,4 tỷ đồng, bao gồm cả thuế VAT, nhưng bị nâng khống lên 39 tỷ đồng và được hợp thức bằng chứng thư thẩm định giá không có giá trị pháp lý, đưa vào hợp đồng liên doanh, liên kết với bệnh viện Bạch Mai.
Giá hệ thống robot 7,4 tỷ đồng, chi phí khấu hao máy cho một ca bệnh là khoảng hơn 4 triệu đồng. Tuy nhiên với giá khai 39 tỷ đồng thì người bệnh phải chi trả chi phí khấu hao máy là 23 triệu đồng mỗi ca.
Từ 2017-2019, bệnh viện Bạch Mai đã thanh toán 550 ca, tiền chênh lệch các đối tượng hưởng lợi chiếm đoạt của người bệnh khoảng hơn 10 tỷ đồng.
Thiếu tướng Tô Ân Xô cho biết, hiện nay cơ quan cảnh sát điều tra đang tập trung lực lượng làm rõ vi phạm của các bị can, đồng thời mở rộng điều tra.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết thêm, sau khi vụ việc xảy ra, Bộ Y tế đã có chỉ đạo các đơn vị, trong đó có Bệnh viện Bạch Mai, rà soát lại các hợp đồng liên doanh, liên kết, giảm giá dịch vụ trên các máy đầu tư… điều chỉnh 18 dịch vụ xuống bằng mức giá thanh toán với các cơ quan bảo hiểm y tế. Bệnh viện cũng đã đàm phán, thương thảo với các đơn vị liên kết để điều chỉnh giá một số dịch vụ. Bộ Y tế sẽ có chỉ thị về liên doanh, liên kết.
Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03), Bộ Công an quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh khám xét và bắt tạm giam Phạm Đức Tuấn, 42 tuổi, chủ tịch HĐQT, giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ y tế BMS và Ngô Thị Thu Huyền, 37 tuổi, Phó giám đốc BMS để điều tra về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. C03 cũng khởi tố và cấm đi khỏi nơi cư trú với Trần Lê Hoàng, 42 tuổi, thẩm định viên Công ty cổ phần Thẩm định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội (VFS) về cùng tội danh.
Dự kiến từ 15-9, mở lại các chuyến bay thương mại
Đối với việc mở các đường bay, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT cho hay bộ đã báo cáo Thủ tướng mở lại các đường bay có khả năng an toàn cao theo đề nghị của các quốc gia, vùng lãnh thổ.
Hai mốc là ngày 15-9 đề xuất bay kết nối với Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc và 22-9 bắt đầu bay trở lại tới Đài Loan, Lào, Campuchia và 16 quốc gia đang xem xét kết nối.
Đối tượng được bay là nhà ngoại giao, công vụ của hai quốc gia, công dân Việt Nam có nhu cầu về nước, người nước ngoài là chuyên gia trình độ cao đang thực hiện dự án đầu tư.
Về việc mở lại các chuyến bay thương mại, Thủ tướng nhắc lại yêu cầu kiểm soát chặt chẽ, không được để dịch bệnh lây lan. Ngành y tế đề xuất phương án cách ly phù hợp đối với các chuyên gia, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, dự kiến từ 15-9 sẽ mở đường bay, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan đã tính toán rất kỹ các phương án cách ly cho 5.000 người, bảo đảm an toàn cho người dân, vừa bảo đảm để kinh tế không bị đứt gãy.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCPP) Mai Tiến Dũng thông tin thêm, việc mở đường bay rất thận trọng, mở dần từng bước để bảo đảm an toàn, dần dần nâng tầng suất. Các giải pháp bắt buộc như khách lên máy bay phải có kết quả xét nghiệm âm tính; nhập cảnh phải cách ly… nhưng tùy từng đối tượng sẽ tính toán thời gian cách ly phù hợp.
Ông Nguyễn Đức Chung chiếm đoạt tài liệu mật vụ Nhật Cường
Liên quan đến vụ án ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội bị khởi tố, bắt giam, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an nhắc lại thông tin ông Nguyễn Đức Chung liên quan 3 vụ án.
Với vụ chiếm đoạt tài liệu bí mật, cơ quan điều tra đã chứng minh ông Nguyễn Đức Chung có hành vi chiếm đoạt một số tài liệu bí mật, trong đó tài liệu mật liên quan vụ Nhật Cường.
Qua điều tra, cơ quan điều tra cũng làm rõ hành vi vi phạm quy định về đấu thầu ở gói thầu số hóa của Sở KH-ĐT Hà Nội, gây thiệt hại 19,8 tỷ đồng, việc này có một phần trách nhiệm của ông Nguyễn Đức Chung trên cương vị Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Bên cạnh đó, quá trình triển khai và thực hiện xử lý ô nhiễm nước hồ bằng chế phẩm Redoxy 3C, TP Hà Nội đã trực tiếp đàm phán với đối tác ở Đức. Họ đã nghiên cứu và sản xuất hóa chất này riêng cho Hà Nội. Nếu Hà Nội ký trực tiếp với công ty này thì rất bình thường, nhưng quá trình mua sản phẩm lại ký qua một đại lý khác, quá trình điều tra xác định việc này gây thất thoát cho Nhà nước khoảng 41 tỷ đồng. Với vai trò là Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung có một phần trách nhiệm ở đây.
Thiếu tướng Tô Ân Xô đề nghị không suy diễn, quy kết, ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình, bạn bè ông Nguyễn Đức Chung. “Án tại hồ sơ, trọng chứng hơn trọng cung, do đó, báo chí cần tránh suy diễn”, Chánh văn phòng Bộ Công an nói.
Về vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng liên quan đến sản phẩm pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai Thành viên Lối sống mới, báo chí chất vấn khi xảy ra vụ việc, cả 3 Bộ: NN-PTNT, Công Thương và Y tế chưa có cá nhân nào, cơ quan nào chịu trách nhiệm.
Thiếu tướng Tô Ân Xô cho biết, sau khi sự việc xảy ra Bộ Công an đã giao cho Công an TP Hà Nội chủ trì xử lý vụ việc và tập hợp báo cáo, trong đó yêu cầu Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội trực tiếp chỉ đạo. Phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương nghiên cứu, rà soát toàn bộ công việc, có đủ căn cứ khởi tố vụ việc để điều tra. Tập trung xác minh làm rõ các vi phạm nếu có về quy định đầu vào nguyên liệu, bảo quản, vận chuyển, hướng dẫn sử dụng… Bộ Công an cũng phối hợp với bộ phận An toàn thực phẩm của Bộ Y tế và các đơn vị liên quan tiếp tục làm rõ và có kết luận chính thức nguyên nhân ngộ độc thực phẩm và vi phạm của đơn vị kinh doanh này.
Ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ tế cho biết thêm, tùy mỗi sản phẩm thực phẩm sẽ có các cơ quan quản lý tương ứng. Ví dụ Bộ Y tế quản lý thực phẩm chức năng, phụ gia, nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên… Bộ Công thương quản lý các sản phẩm rượu bia, nước giải khát, sữa, tinh bột, mứt… Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý các sản phẩm sản xuất, chế biến từ sản phẩm nông nghiệp như thịt, thủy sản, rau củ quả, trứng... Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh cho Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới, sản xuất ra sản phẩm pate. Sản phẩm pate cũng do công ty này công bố.