Hệ lụy khi sử dụng thiết bị vệ sinh không rõ nguồn gốc xuất xứ
Cuối năm là dịp nhiều công trình xây dựng, nhà ở bắt đầu hoàn thiện nội thất để chuẩn bị đón năm mới. Đây là thời điểm nhiều gia đình tìm kiếm và lựa chọn thiết bị vệ sinh cho ngôi nhà của mình. Thế nhưng, thị trường thiết bị vệ sinh hiện nay có nhiều sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc được bày bán, gây hoang mang cho người tiêu dùng. Lợi dụng sự chủ quan của người mua, các sản phẩm này nhanh chóng được đưa đến tay người dùng với mác hàng nhập, chất lượng cao được mở bán tri ân với giá khá rẻ. Thực tế sau một thời gian sử dụng, những thiết bị vệ sinh này liên tục xuất hiện tình trạng xuống cấp, gây bất tiện cho sinh hoạt.
Từng mất hàng chục triệu đồng để tháo dỡ và lắp đặt lại thiết bị vệ sinh sau khi mua phải hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ từ một cửa hàng bán lẻ gần nhà, anh Hùng chia sẻ, cuối năm bận rộn, chuẩn bị hoàn thiện căn nhà cũ dưới quê cho bố mẹ, để tiết kiệm chi phí cũng như thuận tiện di chuyển, anh đã tin tưởng lời người bán, lựa chọn một combo thiết bị vệ sinh nhập khẩu với giá chỉ hơn 5 triệu đồng. Thế nhưng, chỉ sau khi lắp đặt chưa đầy 2 tháng, vòi rửa bát, sen tắm… đã xuất hiện tình trạng hoen rỉ, đọng sắt, nước chảy ra từ vòi bị bẩn không rõ lý do, gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ cũng như sức khỏe người thân trong gia đình.
Các sản phẩm thiết bị vệ sinh không rõ nguồn gốc thường không được kiểm duyệt về chất lượng trước khi đưa ra thị trường, vì vậy khó bảo đảm chất lượng cũng như nguyên liệu để sản xuất ra chúng.
Thiết bị vệ sinh có thương hiệu: Những đặc điểm dễ nhận biết
Các thiết bị vệ sinh không rõ nguồn gốc hiện nay được sản xuất hết sức tinh vi với mẫu mã đa dạng, kiểu dáng phong phú, tem nhãn đầy đủ, gây khó khăn cho người tiêu dùng khi lựa chọn sản phẩm.
KTS Huỳnh Xuân Hải (Công ty Cổ phần Thiết kế - Xây dựng và Đào tạo Kiến Thiết Việt) chia sẻ: “Để phân biệt đâu là hàng chất lượng và đâu là hàng trôi nổi trên thị trường, người tiêu dùng có thể để ý tem mác trên sản phẩm. Đối với các thương hiệu uy tín như Viglacera, Caesar, Toto, Inax… khi cung cấp sản phẩm ra thị trường đều được đóng dấu, in logo chìm, dán tem mác, mã QR code cho từng sản phẩm. Các nhãn mác này được làm chỉn chu, rõ nét, có độ sáng đều. Ngược lại, các thiết bị vệ sinh trôi nổi thường không có đầy đủ nhãn mác, hoặc tem được dán lung tung trên sản phẩm, nhãn mờ, không rõ.”
Thiết bị vệ sinh thương hiệu thường có mã QR code truy xuất nguồn gốc |
Ngoài nhãn mác, tem chống hàng giả thì các thông tin về sản phẩm như nguồn gốc, xuất xứ của thiết bị vệ sinh thương hiệu cũng được thể hiện đầy đủ trên bề mặt thiết bị bằng các nét in, khắc chìm công phu. Trong khi đó, các thiết bị vệ sinh kém chất lượng thường có xu hướng “làm cho có”, rất dễ nhận biết.
Chuyên gia cho biết, các thiết bị vệ sinh được sản xuất trong nước luôn phải trải qua quy trình kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN, được kiểm soát theo quy trình ISO chất lượng, ISO môi trường và hàng loạt bài kiểm tra về độ bền màu, khả năng xả, đồng bộ linh phụ kiện trước khi bán ra thị trường. Đối với các sản phẩm xuất khẩu qua Châu Âu, Châu Mỹ, quy trình còn nghiêm ngặt hơn khi phải đáp ứng rất nhiều các tiêu chí về sản xuất.
Người tiêu dùng cần cẩn trọng trong việc lựa chọn thiết bị vệ sinh, nên ưu tiên các cửa hàng phân phối trực tiếp để đảm bảo uy tín, tránh “mất tiền oan” cũng như tiếp tay cho hàng không rõ nguồn gốc xâm nhập thị trường.