Dòng Dòng Mạch Mạch
Trong quá trình tìm kiếm ý tưởng cho đồ án tốt nghiệp, một nhóm bạn trẻ bắt đầu với những thông tin về rác thải điện tử. Chính những thiết bị sử dụng mỗi ngày, trở thành mối lo toàn cầu khi cuộc sống càng hiện đại, các thiết bị điện tử thông minh ngày càng tích hợp nhiều tính năng tiện lợi, nhưng chúng sẽ đi về đâu khi đã quá thời hạn bảo hành… Chỉ tính riêng tại Việt Nam, ước tính mỗi năm có khoảng 400.000 tấn rác thải điện tử phát sinh.
Dự án “Dòng Dòng Mạch Mạch” là chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của giới trẻ về lợi ích môi trường của việc giảm thiểu rác thải điện tử. Dự án được thực hiện bởi CIBÉ - nhóm sinh viên ngành Quản trị truyền thông đa phương tiện Đại học FPT TPHCM. Theo lý giải của các thành viên, tên gọi “Dòng” tượng trưng cho dòng điện, và “Mạch” đại diện cho mạch điện tử, thể hiện mối liên kết mật thiết giữa hai yếu tố này trong mọi thiết bị điện tử. Dòng điện cung cấp năng lượng để mạch điện tử hoạt động và chúng không thể tách rời. Cụm từ “Dòng Dòng Mạch Mạch” nhằm nhấn mạnh tính liên tục và không ngừng, giống như cách dòng điện liên tục chạy qua mạch điện để duy trì hoạt động của hệ thống. Đồng thời, nó cũng phản ánh vòng đời hữu hạn của thiết bị điện tử.
Bạn Dương Gia Mẫn (thành viên dự án) chia sẻ: “Nhóm chúng em hy vọng dự án truyền thông Dòng Dòng Mạch Mạch không chỉ truyền tải thông điệp về dòng chảy không ngừng của năng lượng, mà còn khuyến khích xử lý thiết bị điện tử cũ đúng cách. Từ đó, chúng ta có thể tái chế và tái sử dụng những nguyên liệu quý giá, giúp kéo dài vòng đời của chúng và bảo vệ môi trường”.
Dự án “Dòng Dòng Mạch Mạch” với các hoạt động như: chuỗi thông tin “Điện tử cũ, Dòng mạch mới” chia sẻ bài viết, video, hình ảnh qua các kênh mạng xã hội của dự án, cung cấp những thông tin về rác thải điện tử, tác hại của nó đối với môi trường và những giải pháp góp phần giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm… từ đó để mọi người hiểu rõ hơn về rác thải điện tử và trách nhiệm của mỗi cá nhân với vấn đề này.
Người trẻ và tiếng nói thế hệ
Cuộc thi trực tuyến “Vượt dòng kết mạch” cũng nằm trong khuôn khổ dự án với thông điệp “Từ mạch vô hình đến dòng chảy sáng tạo” diễn ra từ nay đến ngày 9-11, mang đến cơ hội cho người tham gia thỏa sức sáng tạo, khám phá những góc nhìn mới về rác thải điện tử. Những thiết bị cũ không chỉ là rác thải, mà còn là nguồn nguyên liệu phong phú cho sự sáng tạo.
Người dự thi thể hiện ý tưởng khai phá dòng mạch từ thiết bị điện tử cũ, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo và góp phần lan tỏa thông điệp giảm thiểu rác thải điện tử vì lợi ích của môi trường. Tác phẩm dự thi có thể là hình ảnh (không giới hạn hình ảnh chụp trực tiếp hay bản thiết kế dựa trên các phần mềm Photoshop, Illustrator, Blender...), hình vẽ (tranh vẽ tay hoặc vẽ kỹ thuật số), hình thức sắp đặt và chất liệu mới (tự do ứng dụng và sắp đặt các chất liệu khác nhau kết hợp với thiết bị điện tử cũ)… Tổng giá trị giải thưởng của cuộc thi lên đến 60 triệu đồng.
Nắm bắt tâm lý xu hướng xem - nghe - đọc nhanh qua hình ảnh, video của người dùng mạng xã hội hiện nay, nhóm bạn trẻ dự án “Dòng Dòng Mạch Mạch” thực hiện bộ ảnh nghệ thuật “Mạch vô hình”, khơi gợi mối liên kết sâu sắc giữa con người và các thiết bị điện tử. Mỗi hành động nhỏ trong việc xử lý sai rác thải điện tử như gieo hạt giống tiêu cực, và hậu quả mà chúng ta “gặt” lại chính là những tác động khó lường đến môi trường và sức khỏe con người.
Bạn Anh Thư (thành viên dự án) bày tỏ: “Với kiến thức được học về công nghệ và sức sáng tạo không giới hạn, thế hệ trẻ có thể phát triển các ứng dụng, sáng kiến nhằm thúc đẩy việc giảm thiểu, tái chế, sửa chữa và sử dụng bền vững các thiết bị điện tử. Chúng ta, mỗi cá nhân, chính là những “vi mạch” nhỏ bé nhưng đầy trách nhiệm trong việc góp phần xây dựng một “bảng mạch xanh” bền vững cho trái đất”.
Người trẻ hiện đại, tiếng nói thế hệ cũng song hành với những vấn đề thời sự của cuộc sống. Thế hệ trẻ không chỉ có khả năng nhận thức vấn đề mà còn là động lực thúc đẩy những thay đổi tích cực, góp phần bảo vệ môi trường và tạo nên một tương lai bền vững.