Thiêng liêng cờ Tổ Quốc

Đã 48 năm từ ngày đất nước thống nhất, nhưng ký ức của đông đảo người dân, chiến sĩ cách mạng về những lá cờ đỏ sao vàng phấp phới trong ngày toàn thắng vẫn vẹn nguyên.
Thiêng liêng cờ Tổ Quốc

Hạnh phúc ngày toàn thắng

Ánh mắt bà Lê Thị Năm, cựu tù Côn Đảo, rạng lên niềm vui, sự tự hào khi nhớ lại những tháng năm lịch sử. Bà chia sẻ: “Khi ấy, chúng tôi đang bị giam cầm trong nhà lao ở Côn Đảo, nên mãi đến đêm 30-4 mới hay tin Sài Gòn được giải phóng. Dù niềm vui khôn tả nhưng chúng tôi cũng nửa tin nửa ngờ. Đến khi các đồng chí từ trại nam sang mở cửa cho trại nữ và loan tin báo thì chúng tôi ôm nhau khóc trong niềm hạnh phúc. Khi cửa nhà lao được mở toang, chúng tôi đã tung ngay những lá cờ có hình ngôi sao vàng ở giữa lên bầu trời”.

Bà Năm kể, các nữ tù chính trị hồi ấy giấu lá cờ kỹ lắm. Mọi người mặc đồ bà ba đen thì đều may thêm nhiều lớp bên trong để giấu. Bà cũng như các đồng chí, đồng đội khác đều chờ đợi và tin ngày đất nước được giải phóng. Ngày toàn thắng, các chiến sĩ cách mạng trên đảo đã giải phóng nhà lao, rồi cùng làm lễ, viếng đồng chí, đồng đội đã hy sinh tại Hàng Dương.

Được cùng đồng đội cầm lá cờ Tổ quốc cắm lên nóc chợ Bến Thành vào ngày 30-4-1975, bà Phan Thị Bé Tư, cựu tù Côn Đảo, năm nay 75 tuổi, kể: “Hạnh phúc vô cùng, bởi đó là điều mong mỏi, niềm tin chúng tôi đã mang theo trong suốt thời gian trong lao tù, vượt qua các trận đánh ác liệt. Chúng tôi vững tin ngày đất nước được giải phóng và chúng tôi đã chờ được”. Bà Tư nhớ lại, vì bà là nữ nên các đồng đội nam đã ưu tiên cho bà đặt lá cờ lên vị trí nóc chợ.

Đó là niềm tự hào không thể nào quên của người nữ chiến sĩ cách mạng kiên cường.

Với nhiều công nhân nhà máy, việc may cờ để chuẩn bị cho ngày toàn thắng vô cùng khó khăn, một phần vì thiếu vải. Nghĩ đến giờ phút thiêng liêng, anh công nhân Nhà máy Nhiệt điện Thủ Đức Nguyễn Văn Thiên khi ấy đang làm nhiệm vụ bảo vệ nhà máy, đảm bảo nguồn điện đã nghĩ ra cách lấy sơn vẽ lá cờ có hình ngôi sao vàng lấp lánh. Nhiều công nhân còn chuẩn bị sẵn khẩu hiệu, cờ, băng rôn để khi nhận tin giải phóng thì lập tức treo lên khẳng định quyền làm chủ, tiếp quản nhà máy.

Đường cờ Tổ quốc

Những ngày này, hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió hiện diện khắp nơi trong từng con hẻm, tuyến đường tại TPHCM. Hơn 1 tuần trước, bà Nguyễn Thị Nhì (75 tuổi, ngụ đường 46, khu phố 6, phường 2, quận 4) đã treo lá cờ Tổ quốc trước cửa nhà để chào mừng 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bà Nguyễn Thị Nhì (thứ 2, từ trái qua) cùng người dân tham quan Đường cờ Tổ quốc trên đường Bến Vân Đồn (quận 4)
Bà Nguyễn Thị Nhì (thứ 2, từ trái qua) cùng người dân tham quan Đường cờ Tổ quốc trên đường Bến Vân Đồn (quận 4)

Bà Nhì cho biết, mấy chục năm nay, cứ đến các ngày lễ, tết, bà lại tự tay treo lá cờ Tổ quốc. Niềm vui của bà Nhì cũng như nhiều người dân ở quận 4 được nhân lên, khi trong dịp lễ 30-4 năm nay, nhiều tuyến đường trên địa bàn quận đã ra mắt “Đường cờ Tổ quốc”.

“Ngày Sài Gòn được giải phóng, tôi vui mừng khôn siết, theo các anh chị ra đường. Thấy nhiều gia đình và cơ quan treo lá cờ hình chữ nhật, nửa đỏ, nửa xanh dương và có ngôi sao vàng ở giữa, lòng tôi hạnh phúc. Hồi ấy, nhà tôi không có cờ để treo. Giờ đây, sống trong hòa bình, tôi càng thêm yêu quý lá cờ Tổ quốc mình”, bà Nguyễn Thị Nhì bày tỏ.

Theo bà Nhì, việc thực hiện công trình “Đường cờ Tổ quốc” không chỉ tạo thêm vẻ mỹ quan cho đô thị tại các tuyến đường, mà còn khơi dậy lòng yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc trong mỗi người dân, nhất là giới trẻ.

Trong chuyến “hành trình theo chân Bác” của các cựu tù chính trị TPHCM mới đây, chúng tôi vô cùng xúc động và tự hào khi nhìn thấy các cô, chú cựu tù khoác lên người chiếc áo in hình cờ đỏ sao vàng và trên tay cầm lá cờ Tổ quốc khi đến viếng các nghĩa trang, khu di tích nơi từng in dấu chân Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bởi với họ - những người đã đi qua chiến tranh, trải qua bao đớn đau khi bị tra tấn trong ngục tù - giá trị của lá cờ Tổ quốc thiêng liêng và vĩ đại vô cùng.

Tin cùng chuyên mục