Thiên táng - tập tục kỳ dị ở Tây Tạng

Thiên táng - tập tục kỳ dị ở Tây Tạng

Nghe những chuyện kỳ bí về Tây Tạng rất nhiều nhưng ấn tượng mạnh nhất khi đọc tiểu thuyết Thiên Táng của nhà văn Trung Quốc - Hân Nhiên. Thiên Táng, tên cuốn sách đơn giản vậy thôi, nhưng nó là một chuỗi mấy chục năm, với bao thân phận xô đẩy trong dòng chảy cuồn cuộn của đất nước Trung Hoa đang xáo trộn.

Theo hành trình đi tìm chồng của một cô gái Tô Châu tên Thư Văn, nét văn hóa của vùng đất Tây Tạng lộ dần ra theo độ cao của khác biệt gây ngộp thở. Đó là cảm nhận của Thư Văn khi đi tìm chồng là Khả Quân, một bác sĩ quân nhân được điều lên Tây Tạng và được coi là mất tích. Cuộc lưu lạc của Thư Văn và các cuộc hội ngộ với những người dân vùng đất này đã khiến cô đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, từ cách thức sản xuất để sinh tồn, mối quan hệ trong gia đình giữa vợ chồng, cha con, sự ngạc nhiên vì cuộc sống đa phu, và cách thức chôn người chết, thủy táng hoặc thiên táng.

Cảnh một lễ thiên táng ở Tây Tạng. Ảnh: T.L.

Cảnh một lễ thiên táng ở Tây Tạng. Ảnh: T.L.

Đỉnh điểm ở cuốn tiểu thuyết chính là nghi thức thiên táng được đưa lên thành một biểu tượng. Qua mô tả hình thức thiên táng trong tiểu thuyết, cùng với nhiều tham khảo các nguồn thông tin khác có thể thấy, theo tục lệ từ ngàn đời ở vùng đất này, khi người nào đó qua đời, thân nhân sẽ mời các Lạt Ma về tụng kinh niệm Phật và chọn ngày thiên táng.

Đến ngày đó, họ đưa thi thể người chết ra bãi đất rộng thường được dùng để tiến hành nghi lễ này (cánh đồng ma) và thực hiện nghi thức tách từng phần cơ thể con người thành từng miếng nhỏ để mời chim kền kền thụ lễ. Nghi thức này cho là dâng thân xác người quá cố lên thần linh để đại xá những tội lỗi mà người đó gây ra. Chỉ sau khi các con chim kền kền ăn hết, khi bay lên thì linh hồn người quá cố mới được kéo lên trời. Chim kền kền được coi thần điểu, sứ giả của thần linh, vì ngoài xác chết chim không hại đến động vật khác. Thậm chí, nếu người chết lúc sống uống nhiều thuốc hay ăn những món ăn nào đó khiến thịt của họ không hợp khẩu vị của chim kền kền thì những người tế lễ sẽ trộn thêm bơ và một số gia vị vào để cho chim dễ ăn.

Trong cuốn tiểu thuyết, nhân vật nữ được biết chồng chị đã tự bắn mình để đền bù cho một cuộc thiên táng không hoàn thành, do người được cho là chết đang chuẩn bị hành lễ thiên táng vẫn còn sống, anh đã bắn chỉ thiên để những con chim bay đi, cứu sống người đàn ông này. Vì thế anh đã phạm vào thế giới tâm linh của người Tây Tạng và tự chấp nhận trở thành lễ vật cho những con kền kền. Tập tục thiên táng với nhiều người có vẻ rất ghê rợn, nhưng ý nghĩa đưa linh hồn người chết lên trời là một quan niệm triết học cần được tôn trọng.

Quan niệm này bắt nguồn từ đạo Phật khi Phật tổ đã dùng thịt mình cho hổ ăn để cứu đồng loại thì phần thân xác người chết cho chim kền kền ăn cũng là cách thức cân bằng sinh thái để cứu muôn loài. Thiên táng không chỉ tồn tại ở Tây Tạng mà còn ở một số nơi khác trên thế giới, nhưng với quan niệm triết lý khác, người ta không mai táng vì sợ ô uế đất, không hỏa táng vì sợ ô uế lửa, không thủy táng vì sợ ô uế nước. Với những dân tộc này, đất-lửa-nước là linh thiêng.

Từ những năm 1960, Trung Quốc đã cấm các tập tục này, nhưng những năm gần đây nó đã trở lại ở một số nơi. Vùng đất huyền bí Tây Tạng đang được khám phá. Tại Việt Nam cũng đã có nhiều hãng du lịch tổ chức các tour khám phá vùng đất Tây Tạng và được nhiều người quan tâm.

Hoàng Minh

Tin cùng chuyên mục