Giữa tháng 6-2018, Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) đã công bố bản đồ sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển vùng ĐBSCL.
Bản đồ sạt lở đã xác định được 562 điểm trên tổng số 786km sạt lở bờ sông, bờ biển. Trong đó, có 55 điểm, với 173km sạt lở đặc biệt nguy hiểm; 507 điểm sạt lở nguy hiểm và sạt lở bình thường với tổng chiều dài 613km.
Việc đưa ra bản đồ cảnh báo sạt lở ở ĐBSCL là một nỗ lực đáng ghi nhận từ Bộ NN-PTNT. Song việc công bố là một chuyện, đưa ra giải pháp thực hiện để giảm thiệt hại, rủi ro do sạt lở là một chuyện khác - rất cần đến những nỗ lực của trách nhiệm chính quyền địa phương và cộng đồng.
Sạt lở ở ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng
Cách đây gần 4 năm (tháng 11-2014), Bộ TN-MT đã công bố bản đồ thiên tai, trượt lở, lũ quét 10 tỉnh khu vực miền Bắc. Đã “đánh dấu” khoảng 9.000 vị trí có biểu hiện trượt lở đất đá và đặc biệt xác định được 835 vị trí có tai biến địa chất liên quan đến lũ quét, lũ ống, xói lở bờ sông, suối.
Thời điểm đó, một lãnh đạo Bộ TN-MT nhận định: “Bản đồ đã khoanh định các vùng nguy hiểm, tiềm ẩn các nguy cơ trượt lở đất đá… Các kết quả này là những dữ liệu quan trọng phục vụ công tác phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do trượt lở đất đá gây ra trong mùa mưa bão tại các vùng miền núi Việt Nam”.
Thế nhưng 3 năm qua, mùa mưa lũ luôn gây thiệt hại nặng nề cả nhân mạng và tài sản ở các tỉnh vùng núi phía Bắc.
Sự tàn phá của trượt lở đất, lũ quét như “tỷ lệ thuận” với diện tích những cánh rừng mất đi. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng khốc liệt, sự gia tăng của nhiệt độ (ấm lên của trái đất) là khó tránh khỏi. Thế nhưng sự chêch lệch nhiệt độ giữa dự báo và thực tế (khoảng 5°C) ở Hà Nội đã cảnh báo sự “tích nhiệt” từ những ngôi nhà kiên cố trong quá trình đô thị hóa. Phải chăng đã đến lúc đưa ra cảnh báo về mật độ xây dựng ở Hà Nội đang “quá tải” nghiêm trọng?
Theo số liệu từ Ủy hội sông Mê Công, các quốc gia thượng nguồn xây dựng thủy điện khiến lượng phù sa bồi cát về khu vực ĐBSCL giảm đến 70%. Bên cạnh đó, tình trạng khai thác cát quá mức dẫn đến sạt lở bờ sông, bờ biển ở khu vực này ngày càng gia tăng.
Tại ĐBSCL, không chỉ là chuyện sạt lở, sụp lún đất, xâm nhập mặn, mà nước ngọt sẽ là câu chuyện đầy cam go trong những năm tới. Cách khai thác tầng nước ngầm một cách vô tội vạ đang đẩy nguồn dự trữ nước ngọt đến cạn kiệt và ô nhiễm.
GS-TS Võ Tòng Xuân mới đây đã cảnh báo: “ĐBSCL có nhiều dấu hiệu không còn xanh mà đang đắm mình trong phân bón và thuốc hóa học”. Đây là một thực tế đáng báo động ở châu thổ miền Tây.
Làm lúa 3 vụ/năm, hàng trăm ngàn tấn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được rải xuống ruộng đồng; cùng với hàng trăm nhà máy công nghiệp nằm ven sông đưa nước thải ra sông… đang là những nguyên nhân làm gia tăng ô nhiễm nguồn nước hàng ngày.
Thiên tai rất khó lường! Nhưng “nhân tai” là một nguyên nhân không nhỏ đang đẩy nhanh thiên tai đến sớm và khốc liệt hơn. Tất cả đang trông chờ sự vào cuộc quyết liệt từ các ngành chức năng, chính quyền địa phương. Và hơn hết, là cách ứng xử từ những hành động có trách nhiệm của cộng đồng trước tài nguyên và môi trường tại vùng đất mà chúng ta đang sinh sống!