Ngày 5-11, tại Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn chủ trì hội nghị lấy ý kiến của các Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nguyên lãnh đạo MTTQ Việt Nam qua các thời kỳ tham gia góp ý vào văn kiện đại hội Đảng XIII.
Phát biểu khai mạc, ông Trần Thanh Mẫn cho rằng, qua hợp tình hình nhân dân, nhiều ý kiến cho rằng dự thảo các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng thể hiện tính khái quát cao, bố cục hợp lý, khoa học, chặt chẽ, đầy đủ, rõ ràng, sâu sắc, phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân và quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.
Văn kiện có nhiều điểm mới, đó là đòi hỏi khách quan, đồng thời kế thừa từ các nhiệm kỳ trước và chọn lọc tiếp thu những kinh nghiệm thành công của các nước trong khu vực và thế giới.
Văn kiện kỳ này tiếp tục nhấn mạnh về xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; bổ sung những nhân tố mới, khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển đất nước, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Dự thảo Văn kiện khẳng định: dân chủ trong Đảng là nòng cốt, dân chủ phải là kỷ cương, kỷ luật của Đảng; “thể chế" được đề cập xuyên suốt trong toàn bộ các dự thảo văn kiện. Như vậy đoàn kết, dân chủ, kỷ cương và sáng tạo, là những tiền đề, nhân tố quan trọng cho sự phát triển của đất nước.
Cũng theo ông Trần Thanh Mẫn, đề cập đến các đột phá, văn kiện xác định đột phá chiến lược vẫn là thể chế, nguồn nhân lực và hạ tầng, nhưng nội hàm được phát triển so với nội dung trong văn kiện các đại hội trước. Trước đây nói là thể chế kinh tế thị trường, lần này chúng ta nói thể chế chung cho tất cả các lĩnh vực. Trước đây cũng nói nguồn nhân lực, nhưng bây giờ ưu tiên nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt.
Về hạ tầng thì dự thảo văn kiện lần này nêu rõ ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số và nhiều vấn đề quan trọng khác.
Dưới góc độ chuyên môn, là Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam, góp ý vào dự thảo văn kiện, GS Nguyễn Lân Dũng, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Khoa học, Giáo dục và Môi trường (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) cho rằng, cần tìm hiểu nguyên nhân của bệnh ung thư vì sao có xu thế tăng nhanh trong thời gian gần đây, gây khó khăn rất lớn cho người dân, nhất người nghèo - những người không có khả năng đóng bảo hiểm nhân thọ còn bảo hiểm y tế không đủ khả năng chi trả.
“Cần xem xét nguyên nhân gây ung thư, các bệnh hiểm nghèo, đặc biệt là việc nhập khẩu mỗi năm khoảng 100.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật. Cần có một đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước và huy động nhiều lực lượng tham gia để nghiên cứu sản xuất thuốc trừ sâu sinh học, ngăn ngừa các tác hại của thuốc bảo vệ hóa học”, GS Nguyễn Lân Dũng nói.
Về công tác phòng chống tham nhũng, GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng, nhân dân hoan nghênh thái độ kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí của Đảng, Nhà nước trong nhiệm kỳ qua, kể cả đối với các cán bộ có vị trí công tác cao, có nhiều cống hiến trong quá khứ. Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng lãng phí còn rất lớn trong việc xây dựng các công trình.
“Nhân dân biết rất rõ trong việc xây dựng các quảng trường, các cổng chào, các tượng đài, công trình... đã thất thoát nhiều vào tay những người lập dự án và triển khai dự án. Tình trạng này ai cũng thấy rõ nhưng vẫn tiếp tục xảy ra trên phạm vi cả nước, kể cả việc xây dựng hè phố vừa xây xong lại đào lên”, GS Nguyễn Lân Dũng chỉ ra. Một trong các nguyên nhân chính khiến tham nhũng, lãng phí vẫn xảy ra nhiều do không tận dụng được sự phát hiện của quần chúng nhân dân.
Thiên tai: tác nhân chính, là con người?
Ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu nhấn mạnh, dự thảo lần này có một số điểm mới, không chỉ xây dựng chỉnh đốn Đảng mà cả hệ thống chính trị; khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước giàu mạng, nhân dân hạnh phúc. Trong đó, coi trọng hạnh phúc nhân dân là điều rất quan trọng. Xây dựng, chỉnh đốn cả hệ thống chính trị cũng là điều rất quan trọng để mang lại niềm tin cho dân, tránh những nhũng nhiễu, phiền hà.Theo ông Nguyễn Túc, giai đoạn tới phải làm sao xây dựng tốt hơn mối quan hệ mật thiết, máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với dân, giữa mặt trận với dân, giữa dân với dân, tạo sinh lực mới của khối đoàn kết toàn dân. Qua những gì thể hiện ở dịch Covid-19, lũ lụt miền Trung cho thấy lòng yêu nước, đoàn kết thương yêu nhau trong dân rất lớn, văn kiện cần thể hiện rõ và nhấn mạnh điều này để phát huy sức mạnh toàn dân tộc. Bên cạnh đó, trong xây dựng Đảng phải nói thẳng, nói thật, không tránh né, như thế mới giúp cho đồng chí mình tiến bộ.
Góp ý về công tác đối ngoại, ông Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài cho rằng, ngoại giao nhà nước rất quan trọng nhưng đối ngoại nhân dân cũng cần được quan tâm đúng mức.
Đơn cử như kiều hối đồng bào chuyển về rất nhiều. Mỗi năm, lượng kiều hối gửi về Việt Nam từ xuất khẩu lao động đạt khoảng 2,5 - 3 tỷ USD. Số tiền do Việt kiều định cư ở các quốc gia khác gửi về Việt Nam còn lớn hơn nữa. Lượng kiều hối gửi về Việt Nam năm 2019 lên tới 17 tỷ USD, chiếm 6,5% GDP. Năm 2020 cũng dự khoảng 16 tỷ USD, đây là nguồn vốn lớn, tiền tươi thóc thật, nhưng chúng ta chưa có giải pháp đủ mạnh để thu hút, khuyến khích nguồn vốn này. Kể cả việc thu hút người tài, chất xám trong người Việt Nam ở nước ngoài trở về xây dựng, phát triển đất nước.
Cần thực hiện tốt hơn Nghị quyết 36-NQ/TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, hỗ trợ tốt hơn người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài cũng như tạo điều kiện đầy đủ về pháp lý để họ trở về đầu tư, làm ăn trong nước.
Ông Lê Truyền, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, nội dung về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn vẫn còn hình thức. Phải bảo đảm làm sao dân giám sát được vấn đề này, bảo đảm làm sao người có tài sản, thu nhập bất minh phải giải trình được.
Ông cũng góp ý về vấn đề luân chuyển cán bộ về địa phương phải thực chất. Cán bộ điều chuyển về phải làm việc thực sự, không hình thức, không làm chỉ để đúng quy trình bổ nhiệm cán bộ, cần có đánh giá về vấn đề này. Vấn đề quản lý đảng viên cũng cần làm tốt, bao nhiêu đảng viên bỏ sinh hoạt liệu tổ chức có nắm được hết?
Ông Vũ Trọng Kim, nguyên Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam, dẫn những sự cố thiên tai, dịch bệnh vừa qua như nước biển dâng, xâm nhập mặn nhiều vùng Nam bộ; dịch tả heo châu Phi; lũ quét miền núi phía Bắc, bão lũ miền Trung… để góp ý về vấn đề biến đổi khí hậu.
Ông cho rằng, đó là hiện tượng tự nhiên, khách quan, nhưng đó cũng là cái cớ nhằm trốn tránh hành vi chủ quan của con người.
“Cần nhận thức rằng, phần lớn tác nhân do con người gây ra, thiệt hại là không chối cãi. Phá rừng mấy chục năm qua là sự thật, là tội ác. Việt Nam có 14,6 triệu ha rừng, đạt mức che phủ là 42%, nhưng chủ yếu là rừng trồng - vốn tác dụng hạn chế. Còn bao nhiêu rừng nguyên sinh, rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ đã bị hủy diệt thì làm sao giữ được nước, tránh được sạt lở”, ông Vũ Trọng Kim chỉ ra.
Theo ông, "lệnh “cấm cửa rừng” không thành công, lại bị hàng loạt dự án thủy điện (429 đập thủy điện) mở đường lấy gỗ, làm giàu vì gỗ hơn là giàu vì điện. Những túi nước khổng lồ theo mưa lũ gây ra tai họa qua những trận “đại hồng thủy”, nhưng khó quy kết trách nhiệm cho ai. Nhiều con suối khô, dòng sông chết khiến người dân không thể duy trì kế sinh nhai; đến con bò, con cừu cũng khó sống vì không đủ nước, mạch nước ngầm cũng không còn vì bị khai thác tự do, thiếu kiểm soát".
Do đó, theo ông Vũ Trọng Kim, văn kiện là để rõ chiến lược, chủ trương, chính sách. Cần sớm có một chiến lược cho năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng khí; quy hoạch bản đồ thủy điện phù hợp trước khi quá muộn.