Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị chiều 20-4 tại trụ sở Bộ NN-PTNT |
Chiều 20-4 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã chủ trì hội nghị triển khai công tác ứng phó thiên tai năm 2023.
Theo Tổng cục Khí tượng - thủy văn (Bộ TN-MT), năm 2022, trên Biển Đông xuất hiện 9 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Mùa mưa tại Nam bộ và Tây Nguyên xuất hiện sớm nhưng kết thúc muộn. Năm 2022, xảy ra nhiều đợt mưa lớn, gây ngập úng tại các thành phố không chỉ ở khu vực đồng bằng (như Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Yên - Vĩnh Phúc) mà còn ở vùng trung du và miền núi (như Lào Cai, Yên Bái). Trận mưa lịch sử 500 - 700mm chỉ trong 6 giờ đồng hồ tại TP Đà Nẵng (500 năm mới lặp lại một lần) đã gây ngập lụt sâu và diện rộng.
Quang cảnh hội nghị toàn quốc triển khai công tác ứng phó thiên tai năm 2023 |
Bước sang năm 2023, đợt nắng nóng diện rộng đầu tiên đã xuất hiện từ ngày 21 đến 24-3 tại Sơn La, Hòa Bình, khu vực Bắc Trung bộ, Trung Trung bộ (một số nơi vượt kỷ lục cùng thời kỳ). Dự báo nửa cuối năm 2023, El Nino sẽ xuất hiện và kéo dài sang năm 2024 với đặc tính là khô hạn và nắng nóng. Do đó, các chuyên gia khí tượng cảnh báo, mùa hè năm nay khốc liệt hơn các năm qua, nắng nóng sẽ lập các mốc kỷ lục. Cao điểm nắng nóng là tháng 6 và 7 và có thể kéo dài trong tháng 8. Riêng Nam bộ, sang tháng 5 và 6 sẽ kết thúc mùa nắng nóng.
|
Còn theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, năm 2022, cả nước đã xảy ra 1.072 trận thiên tai với 21/22 loại hình (chỉ trừ sóng thần).
Thủy điện Hòa Bình xả lũ |
Ở miền Bắc, các hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang phải xả lũ sớm, trong thời gian dài để dự phòng đón lũ (đây là một năm hiếm thấy kể từ khi hệ thống liên hồ chứa sông Hồng vận hành). Bão số 4 (Noru) giật cấp 17 gây mưa lớn từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi. TP Đà Nẵng đã ngập có nơi sâu 1 - 2m do bão số 5. Động đất tuy có cường độ không lớn nhưng xảy ra thường xuyên tại Tây Nguyên.
Thiên tai năm 2022 đã làm chết và mất tích 175 người, thiệt hại về kinh tế khoảng 19.500 tỷ đồng (gấp 1,6 lần thiệt hại về người và 3,4 lần về kinh tế so với năm 2021). Từ đầu năm 2023 đến nay, đã có 7 người mất tích.
Báo cáo của Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết, năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, tình hình thiên tai, thảm họa, sự cố, dịch bệnh… diễn biến phức tạp. Thống kê từ ngày 1-1-2022 đến 28-2-2023, cả nước xảy ra 7.942 vụ hoặc sự cố, làm chết 1.339 người, mất tích 200 người…
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nêu những khó khăn, hạn chế trong ứng phó thiên tai hiện nay |
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, hạn chế hiện nay là cơ sở vật chất, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ hoạt động của cơ quan phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn các cấp có nơi còn chưa phù hợp. Phương án ứng phó với từng loại hình thiên tai, sự cố mặc dù đã xây dựng tương đối đầy đủ nhưng có nơi chưa sát điều kiện, tình hình thực tế.
Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đánh giá, công tác vận hành hồ chứa còn bị động, quy trình còn nhiều bất cập; bản tin dự báo chưa sát thực tế mưa lũ, độ tin cậy vẫn chưa cao… Vẫn còn thiệt hại đáng tiếc về người do chủ quan, bất cẩn; việc thực hiện “4 tại chỗ”, nhất là xây dựng lực lượng xung kích phòng chống thiên tai ở cơ sở còn hình thức.