Chiều 19-7, ông Lương Huy Khanh, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang cho biết, vào khoảng 7 giờ sáng cùng ngày ở ấp Tân Hậu A1, xã Tân An, thị xã Tân Châu, xảy ra một vụ sạt lở đất phạm vi bảo vệ đê Bắc kênh Xáng với chiều dài khoảng 20m, ăn sâu vào đất liền khoảng 7m.
Ngoài ra, tình hình sạt lở còn có khả năng mở rộng thêm khi gặp mưa và nước lũ về. Nguyên nhân sạt lở được xác định do mực nước thấp, ảnh hưởng mưa, bờ sông thẳng đứng làm trượt mái gây sạt lở làm ảnh hưởng đến 2 hộ dân, phải di dời khẩn cấp, 12 nhân khẩu và 4 hộ dân cặp liền kề có nguy cơ bị sạt lở.
Trước tình hình trên, lãnh đạo địa phương đã huy động lực lượng tại chỗ giúp 2 hộ dân trong khu vực sạt lở tháo dỡ nhà cửa, di dời tài sản đến nơi an toàn. Đồng thời vận động 4 hộ dân nằm trong khu vực có nguy sạt lở di dời nhà cửa đến nơi an toàn. Vận động người dân xung quanh chặt mé các nhánh cây cao to, nhằm giảm tải trọng trên đoạn sạt lở. Kéo dây, lắp đặt biển báo tạm, theo dõi để cảnh báo cho người dân biết không đi vào khu vực này.
Cũng trong ngày 19-7, bà Võ Thị Ánh Xuân, Bí thư Tỉnh ủy An Giang, cùng đoàn công tác của tỉnh đi khảo sát thực tế, thăm hỏi, động viên và tặng quà cho người dân có nhà bị ảnh hưởng do sạt lở bờ sông ở huyện Chợ Mới. Đoàn công tác trao tặng 30 phần quà cho các gia đình bị mất nhà do phải di dời khẩn cấp ra khỏi vùng sạt lở, mỗi phần quà gồm một số nhu yếu phẩm và 3 triệu đồng. Đoàn khảo sát tại ấp An Thị (xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới) có 27 hộ bị sạt lở phải di dời khẩn cấp. Theo UBND huyện Chợ Mới, trên địa bàn huyện có hơn 20 điểm cảnh báo sạt lở, với tổng chiều dài hơn 44km, ảnh hưởng tới gần 9.000 hộ dân, cần phải di dời, tái định cư.
Bà Võ Thị Ánh Xuân cho rằng, tình hình sạt lở trên địa bàn huyện Chợ Mới nói chung và xã An Thạnh Trung nói riêng diễn biến phức tạp, cần có khảo sát, đánh giá đầy đủ nhằm có giải pháp khắc phục triệt để. Trước mắt, huyện Chợ Mới cần sớm sắp xếp, bố trí khu vực tái định cư để người dân ổn định cuộc sống.
* Chiều 19-7, tại tỉnh Cà Mau, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức hội nghị phòng chống thiên tai khu vực miền Nam năm 2019. Tại hội nghị, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết, tỉnh Cà Mau chịu ảnh hưởng nặng nề từ tác động cực đoan của biến đổi khí hậu, diễn biến phức tạp của bão, áp thấp nhiệt đới, lốc xoáy, nước biển dâng, hạn hán… đã gây ra tình trạng sạt lở ven sông, xói lở ven biển, xâm nhập mặn sâu vào nội địa… ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của nhân dân.
Ông Nguyễn Hiệp, Phó Cục trưởng Cục Ứng phó khắc phục thiên tai, cho biết, năm 2018 thiên tai đã làm chết và mất tích 224 người, gây thiệt hại gần 20.000 tỷ đồng. Riêng tại Nam bộ, thiên tai gây thiệt hại ước khoảng 117 tỷ đồng; phần lớn là do sụp, sạt lở bờ sông, bờ biển, lũ đầu nguồn sông Cửu Long.
Tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, phần lớn nhà ở của người dân sống khu vực ven sông, ven biển có sức chống chịu rất thấp với bão, ngập lụt. Hiện ở khu vực này, số các khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão chỉ mới đáp ứng khoảng 58% so với nhu cầu thực tế.