Theo Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn quốc gia, sau những buổi trưa nắng nóng như đổ lửa, nhiệt độ nhiều nơi lên tới 37-39 độ C thì cứ tầm chiều và đêm, nhiều nơi lại xuất hiện những cơn mưa, dông lốc, sét cường độ nặng.
Chiều và tối 9-5, tại khu vực Bắc Trung bộ như Thanh Hóa – Nghệ An (tâm điểm nắng nóng) đã có mưa dông, lan dần lên khu vực Hòa Bình – Sơn La của miền Bắc. Cùng lúc, tại khu vực Quảng Nam – Quảng Ngãi – Kon Tum… cũng có mưa dông lớn.
Tại TP Hà Nội, sau các buổi trưa nắng nóng, đến tối và đêm, liên tục 3 ngày gần đây đều bất ngờ xuất hiện mưa ào ạt, tuy nhiên không có dông lốc.
Nhưng theo văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai báo cáo chiều 9-5 thì kể từ ngày 7 đến 9-5, mưa, dông lốc, sét đã xảy ra tại 10 tỉnh gồm: Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng, Sơn La, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hòa Bình, Phú Thọ và Nghệ An.
Thời tiết cực đoan, thiên tai đầu mùa đã làm 1 người tử vong, 16 người bị thương, 6.772 nhà bị sập - hỏng - tốc bay mái; 1.703ha lúa và hoa màu, 48ha cây ăn trái và 932ha cây công nghiệp bị gãy đổ; 3.650 con gia cầm bị chết; 3,6 tấn cá bị thiệt hại.
Đáng chú ý, mới bước vào đầu học kỳ 2 (muộn) được 1 tuần lễ, nhưng mưa gió, dông lốc đã làm 83 trường học ở nhiều địa phương bị tốc mái.
Mặc dù không có mưa đá như hồi tháng 4, nhưng tại tỉnh Sơn La, mưa và dông lốc mạnh đã làm gần 400 nhà bị tốc mái, 3 điểm trường mầm non và tiểu học bị sập đổ, hư hỏng... tại xã vùng cao Ngọc Chiến, huyện Mường La (có tới 13/15 bản của xã này bị thiệt hại).
Dông lốc như bão kèm sét làm ngã nhiều thân cây lớn như mít, xoài, đào mận, vải, nhãn… của người dân đang dần bước vào mùa thu hái hoặc còn xanh non. Nhiều loại trái cây như mít xanh rụng rơi, người dân xót xa nhặt xếp thành đống đầy vườn.
Ngày 9-5, các tổ công tác của xã Ngọc Chiến đã đến từng bản rà soát, thống kê thiệt hại, hỗ trợ, hướng dẫn bà con mua tấm lợp để che chắn lại nhà cửa bị đổ nát.
Trước đó, vào cuối chiều 8-5, tại thị trấn Mường Ảng và một số bản khu vực lân cận ở huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên, mưa, dông lốc đã thổi bay nhiều mái nhà, quật tung gốc nhiều cây to, nhiều diện tích hoa màu bị tàn phá, đặc biệt là cà phê - một loại cây đặc sản mang lại nhiều lợi ích kinh tế ở Mường Ảng.
Còn tại TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, từ tối 8-5 đến rạng sáng 9-5, mưa lớn kèm dông lốc đã quật đổ nhiều cây xanh, pano, áp phích quảng cáo; dây điện, dây cáp bị đứt; hàng loạt ô tô, xe máy bị đè nát, hư hỏng nặng. Trận mưa lớn gây mất điện trên diện rộng từ 21 giờ đêm 8-5 đến sáng 9-5.
Trong khi đó, chiều 9-5, Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn quốc gia cảnh báo, đang có 1 khối không khí lạnh tràn về miền Bắc vào lúc nhiệt độ tăng cao, nắng nóng diện rộng. Vì vậy, từ chiều 10-5 đến 12-5, nhiều nơi sẽ tiếp tục có mưa dông lốc, người dân phải đề phòng thiên tai.
Tại Nam bộ và Tây Nguyên, trước mắt, vẫn ghi nhận có nắng nóng trong các ngày 10 và 11-5, nhiệt độ phổ biến vẫn là 35-37 độ C; nhưng ở Trung bộ thì giảm dần cường độ nắng nóng. |