Đấu tranh vì hòa bình
Khi cuộc chiến tranh tại Việt Nam xảy ra, trước những đau thương mất mát của hàng triệu người dân Việt, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã khởi xướng phong trào Phật giáo dấn thân, kêu gọi chấm dứt chiến tranh giành lại hòa bình cho đất nước.
Năm 1961, Thiền sư rời Việt Nam sang Mỹ để nghiên cứu về đề tài “Tôn giáo học so sánh” (Comparative Religion) tại Đại học Princeton, sau đó giảng dạy và nghiên cứu về đạo Phật tại Đại học Columbia. Về Việt Nam năm 1964, Thiền sư thành lập Viện Đại học Vạn Hạnh, Nhà xuất bản Lá Bối, Tuần san Hải Triều Âm và Trường Thanh niên phụng sự xã hội. Ngoài ra, ngài còn thành lập Dòng tu Tiếp hiện dành cho tu sĩ và cư sĩ Phật giáo, với tinh thần đem đạo Phật đi vào cuộc đời.
Trong thời gian vận động hòa bình cho Việt Nam, Thiền sư vẫn tiếp tục công việc viết sách, giảng dạy về nghệ thuật sống chánh niệm và chế tác bình an. Những năm 1970, Thiền sư nghiên cứu và giảng dạy về lịch sử Phật giáo Việt Nam tại Đại học Sorbonne, Paris. Năm 1975, với ước muốn đưa Thiền ứng dụng vào cuộc sống, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã thành lập Phương Vân Am gần Paris. Đến năm 1982, Phương Vân Am trở nên quá nhỏ cho số người muốn đến tu học, vì vậy về sau đã chuyển đến một địa điểm mới ở vùng Dordogne, miền Nam nước Pháp và đặt tên là Làng Mai.
Đưa thiền ứng dụng vào cuộc sống
Dưới sự lãnh đạo tâm linh của Thiền sư, từ một nông trại nhỏ, Làng Mai nay đã trở thành một tu viện Phật giáo phát triển năng động nhất ở châu Âu, với trên 200 xuất sĩ đến từ hơn 20 quốc gia khác nhau. Ngoài ra còn có 10 trung tâm thực tập chánh niệm theo truyền thống Làng Mai tại Mỹ, châu Âu, châu Á và hơn 20.000 tăng thân cư sĩ hiện đang thực tập theo pháp môn Làng Mai trên khắp thế giới. Tiếp nối con đường Phật giáo dấn thân mà Thiền sư đã khởi xướng, tăng thân của ngài vẫn đang tiếp tục tổ chức các khóa tu cho các nhà tâm lý trị liệu, giáo viên, gia đình, doanh nhân, chính trị gia và các nhà khoa học. Tăng thân Làng Mai đã trở thành phong trào thực tập chánh niệm ngày càng phát triển rộng rãi trong xã hội phương Tây.
Ngày 11-11-2014, sau nhiều tháng suy yếu về sức khỏe, Thiền sư đã về lại Tổ đình Từ Hiếu - nơi ngài bắt đầu con đường xuất gia tu học ở tuổi 16, và bày tỏ mong muốn ở lại nơi đây trong những ngày còn lại của cuộc đời mình. Sự trở về chốn tổ Từ Hiếu của ngài là một tiếng chuông chánh niệm, nhắc cho chúng ta nhớ rằng có một gốc rễ tâm linh sâu dày là một điều rất quý giá.
Cả cuộc đời của Thiền sư luôn sống vì bảo vệ hòa bình, lan tỏa tình yêu thương của đạo Phật, giúp mọi người sống tỉnh thức và biết lắng nghe, thấu hiểu. Sau thời gian an dưỡng tại Tổ đình Từ Hiếu, Thiền sư an nhiên thị tịch đúng với hạnh nguyện mong muốn được trở về - trở về với cội nguồn của sự bắt đầu.
Thông tin từ Đạo tràng Mai Thôn, các nhà sư tại Tổ đình Từ Hiếu (phường Thủy Xuân, TP Huế) và tăng thân Làng Mai sẽ sắp xếp tang lễ Thiền sư Thích Nhất Hạnh theo nghi thức tâm tang, kéo dài trong 7 ngày theo hình thức của một khóa tu im lặng. Trong suốt thời gian đó, ban tang lễ mong mọi người đến thăm viếng trong im lặng, trang nghiêm, thanh tịnh, tĩnh lặng và nhẹ nhàng. Lễ nhập quan diễn ra lúc 8 giờ sáng 23-1 (nhằm 21 tháng Chạp âm lịch) và lễ Trà Tỳ (di quan và hỏa táng) sẽ diễn ra vào 7 giờ sáng 29-1 (nhằm 27 tháng Chạp âm lịch). Sau lễ Trà Tỳ, xá lợi của Thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ được an vị tại Tổ đình Từ Hiếu và các trung tâm khác của Làng Mai khắp nơi trên thế giới mà không cần phải xây bảo tháp. Ban lễ tang mong mọi người không phúng điếu vòng hoa, trường liên.
|