Công nghệ số giúp cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng có thể chia sẻ và khai thác tài nguyên lẫn nhau. Từ đó, xuất hiện nhiều phương thức kinh doanh mới, sáng tạo, nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực cho doanh nghiệp, cũng như giúp người tiêu dùng tiếp cận và lựa chọn sản phẩm dễ dàng hơn. Đây chính là nền tảng của “kinh tế chia sẻ” - một mô hình đã và đang trở thành xu hướng kinh doanh và tiêu dùng của nền kinh tế toàn cầu, cũng như Việt Nam.
Thêm thông tin, giảm chi phí
Việt Nam đã sớm xuất hiện nhiều phương thức kinh doanh dưới dạng kinh tế chia sẻ. Từ năm 2014, Uber, Grab đã sử dụng công nghệ kết nối vận tải, họ kinh doanh không cần đầu tư xe (sử dụng xe của chính người lái), không phải thuê mướn nhân viên trực tổng đài, minh bạch lộ trình và chi phí. Nhờ vậy, giá thành vận chuyển thấp hơn nhiều so với các hãng taxi truyền thống nên giành được lợi thế cạnh tranh vượt trội.
Các hãng taxi truyền thống buộc lòng phải thay đổi theo phương thức kinh doanh đó, mới có thể tiếp tục tồn tại. Sự ra đời của Grab và Uber tạo ra xu hướng mới cho ngành vận tải, về sau rất nhiều hãng kinh doanh vận tải ra đời với phương thức tương tự, như GoViet, VATO, Gonow (của Viettel), T.Net (của FPT). Xu hướng ứng dụng công nghệ trong kinh doanh vận tải thay thế hoàn toàn cách làm ăn thủ công truyền thống trước đây.
Trong thời gian qua có nhiều tranh luận xoay quanh việc thừa nhận hay không thừa nhận Grab và Uber ở Việt Nam là kinh tế chia sẻ? Có ý cho rằng, Grab và Uber ở nhiều nước trên thế giới vận hành theo cơ chế vận động người đi xe (xe cá nhân) cho thêm khách đi nhờ và cùng chia sẻ chi phí. Trong khi đó, ở Việt Nam, Grab và Uber kinh doanh chở khách bằng cách sử dụng chính các xe đang kinh doanh nên không được xem là kinh tế chia sẻ. Thế nhưng, vẫn có yếu tố chia sẻ ở đây, đó là chủ của Grab, Uber chia sẻ với các tài xế giải pháp công nghệ kết nối khách hàng, tài xế chia sẻ ngược lại phương tiện (xe). Nhờ vào sự chia sẻ này mà chi phí vận tải giảm, nên cũng chia sẻ chi phí với khách hàng. Như vậy, rõ ràng là Grab và Uber vận hành theo mô hình kinh tế chia sẻ.
Trong lĩnh vực giáo dục, rất nhiều công ty, trường đào tạo triển khai hoạt động đào tạo trực tuyến. Trong lĩnh vực y tế, có rất nhiều ứng dụng kết nối các bác sĩ với bệnh nhân. Trong lĩnh vực dịch vụ tài chính cũng có ứng dụng công nghệ số kết nối giữa bên vay và cho vay như Lendbiz, Tima… Nổi bật nhất có lẽ là trong lĩnh vực bán lẻ, phân phối. Trong những năm gần đây, trên thế giới có rất nhiều hãng bán hàng online với thị phần và doanh số lớn như Alibaba, Amazon… Ở Việt Nam cũng có những trang bán hàng trực tuyến lớn như Tiki, Lazada và rất nhiều trang bán hàng trực tuyến khác. Xu hướng bán hàng trực tuyến đang dần dần trở nên phổ biến với thị phần bán lẻ liên tục tăng theo thời gian.
Để thích ứng với xu hướng công nghệ mới, trước hết cần nhận diện sự tác động của chúng đến thay đổi nhu cầu của khách hàng để định hướng lại chiến lược đổi mới. Thay đổi dễ nhận thấy nhất là xu hướng tương tác với internet của đại đa số khách hàng hoạt động hàng ngày, từ tìm kiếm thông tin đến mua hàng. Do vậy, phương thức thu thập dữ liệu người dùng qua các công cụ internet để dự đoán hành vi mua sắm của khách hàng, marketing online, bán hàng online, công nghệ kết nối người dùng với nhà cung cấp để rút ngắn thời gian và chi phí phân phối… là cấp thiết đối với doanh nghiệp ở hầu hết các ngành. |
Kinh tế chia sẻ không chỉ dừng lại ở việc cung cấp các ứng dụng công nghệ kết nối cung - cầu cho nhiều ngành, mà còn là những nền tảng công nghệ giúp doanh nghiệp trong cùng chuỗi ngành có thể kết nối với nhau để tối thiểu hóa chi phí. Doanh nghiệp sử dụng các nền tảng công nghệ số để kết nối với nhà cung cấp, khách hàng, giúp giảm thiểu tồn kho.
Chẳng hạn như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sử dụng phần mền ứng dụng công nghệ số liên thông các kho dự phòng thiết bị giữa các đơn vị. Nhờ đó, các đơn vị chia sẻ với nhau thiết bị dự phòng nên giảm đáng kể thiết bị tồn kho.
Bên cạnh đó, công nghệ số giúp doanh nghiệp chia sẻ thông tin giữa các cộng sự rất hiệu quả nên tiết kiệm được rất nhiều thời gian hội họp, cũng như chi phí di chuyển để tham gia các cuộc họp. Nhờ công nghệ số, khách hàng có thể theo dõi thông tin về tình trạng đơn hàng, tiêu chuẩn chất lượng trong quá trình sản xuất mà không cần cử nhân sự đến doanh nghiệp sản xuất theo dõi quá trình sản xuất, nên tiết kiệm được chi phí giao dịch rất lớn.
Công nghệ số giúp việc bán hàng thực hiện cùng lúc với ghi nhận thông tin giao dịch khách hàng, giúp doanh nghiệp dễ dàng có được dữ liệu khách hàng (phổ biến nhất là các siêu thị phát hành thẻ khách hàng). Nhờ vậy, doanh nghiệp dễ dàng phân tích được hành vi tiêu dùng để ra các quyết định dự trữ hàng hóa hợp lý nên tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Tương tự, các nền tảng công nghệ internet kết nối vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây… được nhiều doanh nghiệp áp dụng để xúc tiến sản phẩm nhanh chóng tiếp cận với khách hàng, cũng như giúp khách hàng dễ dàng tìm kiếm sản phẩm.
Kinh tế chia sẻ tác động thay đổi phương thức kinh doanh của doanh nghiệp, đòi hỏi quản lý nhà nước cũng thay đổi để tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo bình đẳng trong quản lý các nguồn thu, ưu đãi cho doanh nghiệp. Trước hết là các thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký kinh doanh, cấp phép, kê khai, quyết toán thuế cần thay đổi theo hướng áp dụng công nghệ số. Nếu không như vậy sẽ gây phiền hà, mất thời gian, gia tăng chi phí giao dịch cho doanh nghiệp.
Cạnh đó, Chính phủ cần tích cực triển khai các chương trình số hóa tài liệu trong quản lý hành chính trong việc thông tin, chia sẻ tài liệu giữa các cấp chính quyền; cũng như trong một số lĩnh vực quản lý hành chính liên quan đến doanh nghiệp trong lĩnh vực thuế, hải quan. Cần nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ công chức liên quan đến quản lý các hoạt động kinh tế để theo kịp với yêu cầu đổi mới phương thức quản lý nhà nước. Trong bối cảnh mới, đòi hỏi đội ngũ công chức, viên chức phải nắm bắt kỹ năng nghề nghiệp, gắn với sử dụng thành thạo công nghệ quản lý mới khi thay đổi phương thức quản lý nhà nước đối với các hoạt động kinh tế.
Kinh tế chia sẻ thúc đẩy sự xuất hiện bất ngờ của đối thủ tiềm ẩn và sản phẩm thay thế làm doanh nghiệp không kịp thích ứng. Những doanh nghiệp không kịp thời nắm bắt công nghệ để đổi mới, sáng tạo mà vẫn kinh doanh theo phương thức truyền thống có thể sẽ gặp khó, thậm chí phá sản buộc phải bán doanh nghiệp. Đó sẽ là xu hướng đại chúng hóa toàn cầu về nguồn vốn của các công ty. Trên thực tế, xu hướng này đang diễn ra ngày càng nhanh trong những năm gần đây. Các giao dịch mua bán sáp nhập (M&A) giữa doanh nghiệp chậm nắm bắt công nghệ, kém lợi thế cạnh tranh, sáp nhập vào các doanh nghiệp có ưu thế về đổi mới sáng tạo ngày càng nhiều. Những cổ đông sáng lập của các doanh nghiệp bị sáp nhập sẵn sàng thoái vốn để đầu tư vào những doanh nghiệp có ưu thế về công nghệ. Bên cạnh đó, phương thức kinh doanh mới chẳng những chiếm được ưu thế cạnh tranh, mà còn tránh né được nghĩa vụ tuân thủ pháp luật, bởi công cụ quản lý của Nhà nước chưa thể theo kịp với sự năng động của thị trường. Nhiều phương thức kinh doanh mới nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của các văn bản pháp luật về nghĩa vụ thuế và các điều kiện kinh doanh. Điều này đưa đến sự bất bình đẳng trong thực hiện nghĩa vụ tuân thủ pháp luật giữa doanh nghiệp kinh doanh truyền thống với doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức mới, càng thúc đẩy doanh nghiệp theo phương thức kinh doanh truyền thống đi đến bờ vực phá sản sớm hơn nếu không kịp thời tái lập lợi thế mới cho thích ứng. |