Để thích ứng với BĐKH, hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, TPHCM cần một giải pháp tổng hòa và sự chung tay của toàn xã hội.
Thiệt hại 650 tỷ USD
Nghiên cứu mới nhất của Viện Tài nguyên - Môi trường, Đại học Quốc gia TPHCM, cho thấy, TPHCM chịu tổn thương cao trước những tác động của các hiện tượng cực đoan khí hậu. Nghiên cứu nêu rõ vào năm 2070, TPHCM sẽ có khoảng 9,2 triệu người bị phơi nhiễm (chịu tác động của BĐKH, ngập lụt, hạn hán, nước biển dâng, mưa, bão...), ước tính thiệt hại về kinh tế khoảng 650 tỷ USD.
Một tác động rõ nhất mà người dân thành phố đang phải đối mặt là nắng nóng luôn ở mức độ gay gắt, nhiệt độ tương đối cao, chỉ số tia cực tím luôn ở mức báo động.
Trong giai đoạn 1980-2019, khoảng từ tháng 2 đến tháng 6, thành phố thường xuyên ghi nhận những ngày nắng nóng gay gắt trên 37oC và có thể đạt gần 40oC, với mức tăng khoảng 0,087oC/năm.
Nắng nóng được dự báo sẽ xảy ra nghiêm trọng hơn trong tương lai. Trong khi đó, lượng mưa có xu hướng tăng cao cả về số lượng lẫn cường độ, lượng mưa ngày cực đại cao nhất có thể lên đến 300mm. Không dừng lại ở đó, thành phố phải đối mặt với hạn hán đang ngày càng phức tạp. Ghi nhận các thông số đo lường tại một số trạm quan trắc như An Phú, Củ Chi, Hóc Môn, Lê Minh Xuân, Long Sơn và Tân Sơn Hòa cho thấy TPHCM có thể sẽ tiếp tục trải qua những đợt hạn nặng đến rất nặng.
Các chuyên gia về môi trường cho rằng rủi ro thiên tai do BĐKH là không tránh khỏi. Để thích ứng với BĐKH, hay nói cách khác là sống chung với BĐKH và giảm tính dễ bị tổn thương, TPHCM cần triển khai đồng bộ các giải pháp công trình và phi công trình.
Nhìn nhận về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cho biết BĐKH đã diễn biến rất rõ nét đối với TPHCM. Nó đã và đang tác động rõ nét đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố. Thời gian qua, thành phố cũng đã nhận được nhiều hỗ trợ từ các nhóm nghiên cứu, các nhà khoa học trong việc tư vấn cho thành phố các giải pháp thích ứng với BĐKH. Thành phố rất cần sự chung tay, góp sức của các đơn vị nghiên cứu, các nhà khoa học để giúp thành phố tổng hòa các giải pháp tối ưu nhất, từ đó thành phố sẽ xây dựng được một bộ kế hoạch toàn diện nhất để triển khai các biện pháp thích ứng với BĐKH.
Đồng bộ giải pháp
Trao đổi với PV Báo SGGP, PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, cho biết, thành phố cần thực hiện song song hai nhóm giải pháp, bao gồm nhóm giải pháp thích ứng và nhóm giải pháp giảm thiểu. Trong đó, nhóm giải pháp thích ứng cần chú trọng ban hành các chính sách, pháp chế, quy định cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án, hoạt động thích ứng. Kế tiếp là các giải pháp về kỹ thuật. Giải pháp này cần tập trung vào việc đầu tư các công trình ngăn triều, chống ngập, nạo vét kênh rạch. Và giải pháp không thể bỏ qua là nâng cao nhận thức cho cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường. Song song đó là có chế tài xử phạt nghiêm, mang tính răn đe đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo quy định.
Đối với nhóm giải pháp giảm thiểu, thành phố phải huy động được sự chung tay từ các đơn vị, sở ban ngành. Đặc biệt, các sở ban ngành cần có kế hoạch cụ thể trong việc giảm tác động của BĐKH. Cụ thể, Sở Công thương kêu gọi các đơn vị chuyển đổi, đầu tư công nghệ mới, chương trình sản xuất sạch hơn...; Sở Xây dựng triển khai các chương trình tòa nhà xanh, không gian xanh...; Sở NN-PTNT khuyến khích người dân sử dụng phân bón hữu cơ, sinh học trong sản xuất nông nghiệp.
Đồng thời Sở GTVT đẩy mạnh phát triển các hệ thống giao thông công cộng, sử dụng xăng E5, sinh học; Sở TN-MT chú trọng đến bảo vệ và sử dụng tài nguyên đất, nước một cách hiệu quả, xen vào đó là tăng cường các dự án trồng rừng, cây xanh.
Liên quan đến lĩnh vực này, PGS-TS Mai Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Quan trắc, Sở TN-MT TPHCM, cho rằng, để thích ứng với BĐKH, bên cạnh những nỗ lực từ nội lực của thành phố (như chú trọng phát triển xanh, bền vững thông qua các hoạt động sử dụng năng lượng hiệu quả, phát triển hệ thống giao thông công cộng, chế tài mạnh hành vi xả rác bừa bãi ra môi trường, kênh rạch…), thì thành phố cũng rất cần sự ủng hộ, chung tay của quốc tế từ con người, khoa học công nghệ cho đến tài chính.
Với diễn biến ngày càng phức tạp và tác động nghiêm trọng của BĐKH đối với sự phát triển đô thị, TPHCM đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm ứng phó BĐKH dài hạn với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như C40 (mạng lưới của các thành phố lớn đã cam kết chung tay ứng phó với BĐKH), JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản) và nhiều tổ chức khác. |