Kỷ niệm 91 năm Ngày Truyền thống công tác dân vận của Đảng (15-10-1930 - 15-10-2021), phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Hữu Hiệp, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM, trước những vấn đề đặt ra trong công tác dân vận của Đảng đối với một trong những đô thị lớn nhất nước.
Khơi gợi, phát huy tối đa sức dân
* Phóng viên: Đồng chí nhận định gì về vai trò của công tác dân vận tại TPHCM trong suốt quá trình xây dựng và phát triển thành phố?
- Đồng chí NGUYỄN HỮU HIỆP: Ở bất kỳ giai đoạn nào, công tác dân vận cũng phải gắn liền nhiệm vụ chính trị của Đảng, đi sâu vào từng đối tượng với phương thức hoạt động linh hoạt, thái độ thật chân thành và kiên trì để đạt kết quả.
Tại một thành phố đông dân, đa thành phần, năng động thì công tác dân vận càng đòi hỏi phải thật linh hoạt trong phương pháp mới có thể đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân. Trong đó, chú trọng đi sâu vào đối tượng vận động để đạt mục tiêu vận động được tất cả tầng lớp nhân dân tham gia vào các phong trào cách mạng, phong trào thi đua yêu nước; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Việc phát huy dân chủ, củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc luôn phải được chú trọng.
* Trong giai đoạn khó khăn khi dịch Covid-19 xảy ra suốt thời gian qua, công tác dân vận của Đảng tại TPHCM đã phát huy vai trò như thế nào?
- Kể từ khi dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát tại TPHCM, hệ thống dân vận các cấp, đặc biệt là Ban Dân vận Thành ủy TPHCM, đã vào cuộc một cách quyết liệt với phương châm “Mỗi người dân là một chiến sĩ”. Chúng tôi đã tham mưu và triển khai nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, động viên các tầng lớp nhân dân thực hiện nghiêm việc phòng chống dịch, giãn cách xã hội; chung tay chăm lo an sinh xã hội, chăm lo lực lượng tuyến đầu; không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, không để ai bị bỏ lại phía sau. Ban cũng phân công lực lượng của hệ thống chính trị thành phố về tham gia hỗ trợ các địa phương. Nhiều mô hình như đảng viên giúp dân, đoàn viên, hội viên giúp nhau, hộ khá giúp hộ khó đã hình thành ngay tại cơ sở.
Chúng tôi đã hướng dẫn và phát huy vai trò của tổ Covid-19 cộng đồng trong công tác bảo đảm an sinh xã hội; tổ chức vận động chủ nhà trọ miễn, giảm tiền thuê trọ; vận động F0 khỏi bệnh tham gia công tác phòng chống dịch… Đến nay, toàn thành phố có 24.644 tổ Covid-19 cộng đồng, hơn 65.300 thành viên với đông đảo quần chúng nhân dân tham gia.
* Như vậy, trong cuộc chiến chống dịch bệnh, sự tham gia của nhân dân có ý nghĩa rất quan trọng khi được khơi gợi?
- Đúng vậy. Nếu không có sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, nhất là các lực lượng ở tuyến đầu, cùng với sự chi viện, giúp sức, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân từ Trung ương đến các địa phương, trong và ngoài nước, kiều bào ta ở nước ngoài thì thành phố không thể kiểm soát được dịch bệnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và từng bước đưa cuộc sống trở lại “bình thường mới”. Rất nhiều tấm gương thầm lặng mà cao cả với hành động sẻ chia mang ý nghĩa thật cảm động.
Tìm kiếm cán bộ thấu cảm với nhân dân
* Bên cạnh những thành quả quan trọng như đồng chí chia sẻ, thì công tác dân vận của Đảng tại TPHCM có những điều gì khiến đồng chí còn trăn trở?
- Điều bản thân tôi cũng như cán bộ ngành dân vận thành phố trăn trở nhất là công tác chăm lo an sinh xã hội cho nhân dân có lúc, có nơi chưa đầy đủ. Thẳng thắn mà nói, qua thực tiễn dịch bệnh đã bộc lộ rõ hệ thống chính trị của chúng ta chưa nắm chắc từng hộ gia đình trong địa bàn dân cư. Nghĩa là chúng ta chỉ nắm về số lượng, mà chưa nắm được hoàn cảnh, cách thức tổ chức cuộc sống của từng gia đình như hộ đó có bao nhiêu người, số người già, người đau bệnh… Thậm chí, có những lúc chúng ta không xác định được căn nhà đó còn người ở hay không. Vậy nên, khi triển khai xét nghiệm, tiêm vaccine, nhất là công tác chăm lo an sinh xã hội, vẫn còn sót lọt. Nếu nắm chắc 3 mặt gồm đời sống việc làm, nhu cầu nhân dân và tổ chức của hệ thống chính trị thì việc triển khai chăm lo sẽ tốt hơn.
* Vậy công tác dân vận tại thành phố cần sự điều chỉnh gì trong thời gian tới?
- Chúng ta cần tính toán một cách tổng thể cả 3 yếu tố mà tôi vừa trình bày. Trong đó, việc kiện toàn, phân công các tổ chức ở xã, phường, thị trấn là quan trọng nhất. Vẫn lấy địa bàn tổ dân phố, tổ nhân dân là nơi để người dân phát huy tính dân chủ, tự quản. Công việc này đòi hỏi đảng viên, đoàn viên, hội viên phải làm nòng cốt. Ban Dân vận Thành ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM rà soát, kiện toàn tổ chức chính trị - xã hội cơ sở, với yêu cầu là sâu sát được đến từng hộ dân.
Với cán bộ chuyên trách dân vận, khối vận, cần được tính toán kỹ, cân nhắc khi chọn lựa. Ngoài giỏi chuyên môn, cần thêm kỹ năng, sự linh hoạt, nhạy bén để nắm bắt tình hình và ứng phó kịp thời. Điều này đòi hỏi người cán bộ phải có trách nhiệm cao, cần thấu hiểu, nhận thức rằng việc liên quan đến dân chính là việc của mình, có như vậy thì mới dấn thân và gánh vác khi dân cần.
* Thành phố vừa nới lỏng giãn cách xã hội, từng bước phục hồi kinh tế. Vậy, công tác dân vận của Đảng sẽ tham gia cùng thành phố những phần việc cụ thể gì?
- Trước mắt, công tác dân vận sẽ tiếp tục tập trung tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm “nguyên tắc 5K” và “thông điệp 5T”. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, vận động, nắm tình hình nhân dân, chủ động giải quyết kịp thời các vấn đề ngay từ cơ sở. Ngành cũng tham gia củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy ở phường, xã, thị trấn.
Một nhiệm vụ quan trọng khác là gắn công tác dân vận chính quyền với giải pháp phục hồi kinh tế - xã hội. Cụ thể, các cơ quan nhà nước đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản thủ tục, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết và hoàn trả kết quả hồ sơ. Thực hiện các giải pháp khoan thư sức dân, tạo điều kiện thuận lợi giúp cộng đồng doanh nghiệp hoạt động theo lộ trình từng bước. Công tác dân vận phải góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI. Phải tính toán một cách toàn diện từ nhà ở đến việc làm, các nhu cầu của dân cho đến việc vận hành hệ thống chính trị tại cơ sở. Trong đó, hệ thống tổ chức ở xã, phường, thị trấn là quan trọng nhất, đó là cầu nối để Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân.