Thay đổi thói quen
Hơn một năm nay, từ khi dịch Covid-19 ảnh hưởng đến Việt Nam, thói quen giao tiếp ở nhà chị Thu Hằng (TP Thủ Đức, TPHCM) thay đổi hẳn. Trước, anh Hưng chồng chị thích tổ chức ăn uống với nhóm bạn hàng xóm, cũng là anh em đồng hương từ Nghệ An vào TPHCM lập nghiệp. Tuần này ăn uống nhà này, tuần sau lại chuyển qua nhà bên. Đơn giản chỉ là mấy cuộc tụ tập, mấy ông ngồi cà kê bên ly bia, chén rượu; các bà vợ ngồi kể chuyện sắm cái này, mua cái kia, hay đơn thuần là chuyện dạy con… Hơn một năm nay, vụ tụ tập dẹp hẳn vì ai cũng ngại Covid-19.
Chị Hằng nói: “Chúng tôi, ai ở nhà nấy cho lành, bởi anh em xung quanh người làm tài xế, người làm trong sân bay, nhỡ chuyện gì thì cả xóm mệt. Bởi vậy, thỉnh thoảng chúng tôi dắt xe ra đi làm, chào hỏi nhau chút rồi mỗi người mỗi ngả, không ai đến nhà ai. Tuy nhiên, nhóm chat của mấy ông mấy bà trên Zalo, Viber khí thế hơn trước nhiều lắm. Ai cũng ham chia sẻ chuyện nhà, nhưng cũng không ai dám đứng ra tổ chức tụ họp…”.
Cũng do dịch bệnh, vợ chồng ông bà Ngọc Hoàng - Nguyễn Thị Tần (cựu văn công, quận Gò Vấp, TPHCM) cũng thay đổi thói quen sống. Năm nay, hai vợ chồng ông bà ăn tết ở TPHCM, hai người con, một ở Hải Dương phải cách ly xã hội toàn tỉnh nên không vào, một người con khác đang ở Nhật Bản thì hai năm nay cũng chưa về. Hai vợ chồng sắm một chiếc điện thoại thông minh, nhờ mấy đứa trẻ sống trong khu chung cư chỉ dẫn cách sử dụng để tiện liên lạc con cháu.
Bà Tần kể: “Nhớ tụi nó lắm nhưng đành chịu thôi. Giờ tôi gọi video cho tụi nó hàng ngày, rất tiện lợi. Vẫn nghe được giọng nói của con mà chúng nó yên tâm vì hai thân già này vẫn sống tốt. Chúng tôi cũng bớt đi lòng vòng, chỉ đi chợ, tập thể dục rồi về, đảm bảo đeo khẩu trang nơi công cộng. Dịch dã buồn thật, nhưng cả nhà phải thích ứng để con cái bớt lo”.
Rồi dễ thấy hơn là văn hóa ứng xử trên bàn ăn cũng có nhiều chuyển biến kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện. Ví dụ như việc hạn chế gắp thức ăn cho nhau, hạn chế chấm chung chén nước mắm…, trong các bữa cơm của gia đình người Việt. Thực tế này khiến cho cuộc tranh luận văn hóa Đông - Tây lần nữa được nhắc đến trên báo chí lẫn các diễn đàn mạng xã hội.
Ai theo trường phái phương Tây tỏ ra hào hứng khi cho rằng thói quen ăn riêng của phương Tây đáng để làm hình mẫu, hoàn toàn phù hợp trong công tác phòng chống dịch bệnh ở thời điểm hiện tại. Trong khi đó, “phe” châu Á thì liên tục đưa tin về tâm lý kháng cự với khẩu trang, hoặc thói quen chào hỏi thân mật của người phương Tây đã đẩy tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn như thế nào.
Dè dặt để phòng bệnh
Dịch Covid-19 khiến văn hóa giao tiếp trong xã hội trở nên dè dặt hơn. Tâm lý phòng bệnh làm nhiều người chủ động tự cách ly bản thân với cộng đồng. Ngoài việc thường xuyên đeo khẩu trang, lưu ý giữ khoảng cách, dễ nhận thấy nhiều cử chỉ giao tiếp thường ngày như bắt tay, chạm/khoác vai…, đều được hạn chế nhất có thể. Các buổi gặp gỡ, xã giao, giao lưu… cũng được thay đổi tối đa theo hình thức trực tuyến.
Một số quốc gia, thậm chí đã ban hành cả những chỉ dẫn chi tiết về văn hóa chào hỏi nhằm giúp người dân phòng tránh lây nhiễm virus trong cộng đồng. Giao tiếp xã hội trực tiếp giảm thiểu rõ rệt. Thay vào đó, tương tác thông qua mạng xã hội tăng lên nhanh chóng. Không chỉ người trẻ, mà nhiều người lớn tuổi như gia đình ông Hoàng - bà Tần ở trên chuyển qua giao tiếp trên mạng xã hội và dần thành thục…
Nhiều người lo ngại tình trạng hiện tại sẽ khiến mối quan hệ giữa người với người trong đời sống ngày càng xa cách, như một hệ lụy mà từ lâu người ta vẫn thường lên tiếng cảnh báo về mặt trái của đời sống công nghệ. Tuy vậy, đây không hẳn là hoàn cảnh thiếu tích cực.
Nhìn nhận vấn đề một cách lạc quan, Th.S Nguyễn A Say (giảng viên môn Giao tiếp đa văn hóa - Trường Đại học Văn Hiến), cho rằng tình huống trên “là cơ hội để mọi người rà soát lại các mối quan hệ, sống chậm lại và nhìn nhận bản thân tốt hơn”. Th.S Nguyễn A Say cũng cho biết thêm: “Đây là khoảng thời gian “chững” trong giao tiếp, để trong giai đoạn “bình thường mới” tâm lý con người sẽ thay đổi, có thể “nhiệt tình” hoặc “lạnh nhạt” hơn trong các mối quan hệ”.
Nhiệt tình hay lạnh nhạt, có lẽ là câu chuyện ở phía trước, nhưng rõ ràng, điều dễ nhận thấy nhất trong mỗi gia đình vào mùa dịch Covid-19, đó chính là những rường mối trong gia đình dường như bền chặt hơn. Mọi người quan tâm nhau hơn, nghĩ về nhau nhiều hơn và sống cho nhau nhiều hơn. Dù là giao tiếp với nhau cách trở qua điện thoại hay qua phương tiện nào khác, thì tình cảm gia đình vẫn là điều đáng trân quý nhất.