Có một tuyến đầu rất khác…
Tác nghiệp trực tiếp tại tâm dịch Bắc Ninh và Bắc Giang, phóng viên Quốc Khánh (Báo SGGP) chia sẻ: “Đứng trước dịch bệnh không thể nói là không lo lắng, nhưng tôi là phóng viên theo dõi mảng y tế đã lâu năm và cũng từng trải qua lần tác nghiệp trong dịch SARS, nên lần này khi tác nghiệp ở tâm dịch Covid-19, tôi chuẩn bị kỹ càng đồ bảo hộ cho mình, tiếp cận ở những khu vực cho phép, theo sự hướng dẫn của lực lượng ở địa phương và nhất là giữ khoảng cách an toàn để bảo vệ chính mình”.
Đó không chỉ là công việc và trách nhiệm của một người làm báo, sự tận tâm cùng lực lượng tuyến đầu trong những ngày này mà còn góp phần giữ yên lòng người, không hoang mang, dao động trước những tin giả, đồn đoán tiêu cực về dịch bệnh, về năng lực đội ngũ y tế và khả năng chống dịch của nước nhà.
Đồng nghiệp của chúng tôi, phóng viên Nguyễn Ly (Trung tâm VTC miền Nam - Đài Tiếng nói Việt Nam) tâm sự: “Để nói áp lực tác nghiệp mùa dịch thì nhiều lắm, phóng viên mảng y tế lúc nào cũng sẵn sàng chạy để kịp thời ghi nhận ở những khu vực có ca nhiễm, cách ly… Mỗi một dòng tin đều phải thật cân nhắc, không chỉ là đưa tin mà còn cần phải tuyên truyền để người dân hiểu và tự biết cách phòng tránh cho mình. Đặc biệt là trên mạng hiện nay có nhiều tin giả gây nhiễu loạn, mình phải cố gắng đưa tin kịp thời để người dân chủ động và ý thức chống dịch, không bị hoang mang”.
Nhà ở quận Gò Vấp (TPHCM), địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, phóng viên Quỳnh Mai (kênh VTV9) kể lại: “Một ê kíp truyền hình thường có biên tập viên, quay phim và tài xế, nhưng khi quận Gò Vấp thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, người bên ngoài không thể ra vào quận, đồng nghiệp cũng chỉ có thể hỗ trợ qua online, tôi phải tác nghiệp một mình bằng điện thoại. Kiêm hết mọi phần việc, tự quay, tự dựng, biên tập và tự di chuyển, khi cần hiện dẫn ở hiện trường thì tôi nhờ người dân địa phương cầm điện thoại quay giúp vài phút”.
Những ngày dịch bệnh căng thẳng, lo lắng nguy cơ lây nhiễm khi tác nghiệp là điều không tránh khỏi, nhưng chị Quỳnh Mai vẫn đảm bảo hơn 10 tin bài, phóng sự chuyển về cơ quan kịp thời trongthời gian Gò Vấp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
“Gia đình, bạn bè và ngay cả bản thân tôi cũng lo lắng nguy cơ lây nhiễm. Tuy nhiên mình là phóng viên thời sự, lại ở Gò Vấp, nếu mình không làm, các đồng nghiệp khác bên ngoài cũng không thể ra vào quận để tác nghiệp. Trải qua những ngày tác nghiệp trong lúc dịch bệnh thì sẽ có nhiều khó khăn, nhưng khi nhìn thấy sản phẩm tin bài của mình kịp thời phát sóng để phục vụ thông tin cho mọi người thì mọi khó khăn, áp lực cũng trở nên nhẹ nhàng, niềm vui với nghề đơn giản vậy thôi”, phóng viên Quỳnh Mai chia sẻ.
Sự lựa chọn cần thiết
Đôi lúc, những người làm báo thầm mong cơ quan mình có điều kiện hơn, có thêm phần mềm này, công nghệ kia thì hay biết mấy… Nhưng những ngày này, có lẽ công nghệ hiện đại nào cũng sẽ xếp sau sự cố gắng của từng người trong tập thể. Phương án tòa soạn của chúng tôi chỉ đơn giản là làm việc và kết nối online với nhau, hạn chế tối đa số người ra vào cơ quan; và trong tình huống bất khả kháng khi tòa nhà làm việc phải phong tỏa thì “tòa soạn dã chiến” sẽ chuyển đến trụ sở Báo SGGP Hoa văn, và trong tình huống xấu nữa thì cũng có thể chuyển tạm về nhà riêng của Tổng Thư ký tòa soạn Nguyễn Khắc Văn.
Thư ký Tòa soạn Báo SGGP Ngô Quang Trưởng chia sẻ: “Đó là sự cố gắng của anh em trong mỗi kíp trực. Ai cũng hiểu là làm việc online có nhiều hạn chế nên phần việc của mình đều chăm chút, cẩn thận và khi cần thì trao đổi qua các nhóm chat online. Nếu có một phần mềm hỗ trợ tòa soạn như một số nơi khác thì quá tốt, nhưng không có cũng không sao; mọi người dụng công hơn một chút, mọi thứ vẫn trong tầm kiểm soát và giữ vững mạch xuất bản báo mỗi ngày”.
Đề phòng tình huống không may nếu có ca mắc Covid-19, những ngày tình hình dịch diễn biến phức tạp, Tòa soạn Báo SGGP cũng chia ra 2 ê kíp riêng biệt, để khi ê kíp A gặp sự cố thì mạch xuất bản vẫn được ê kíp B đảm đương tiếp tục.
“Trong ngày 16-6, nhà một biên tập viên của tòa soạn ở khu vực phong tỏa tạm thời, máy tính xách tay cài đặt sẵn phần mềm được bộ phận kỹ thuật chuyển đến cho biên tập viên. Làm việc ngay tại nhà, biên tập viên vẫn truy cập được vào mạng nội bộ ở cơ quan, mọi công việc vẫn không bị gián đoạn”, anh Nguyễn Tường Hân, Phó Thư ký Tòa soạn Báo SGGP, cho biết.
Kịp thời sự để cạnh tranh thông tin là chuyện thường ngày trong làm báo. Tin đưa lên sớm hơn vài phút, tít “mạnh hơn”… cũng đủ để lượt view dẫn đầu. Nhưng những ngày này, không chỉ kịp và đúng thời sự mà còn phải nghĩ đến tính nhân văn trong tin.
Phóng viên Phạm Thành Sơn (Báo SGGP) cho biết: “Khi Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM có nhân viên mắc Covid-19, nhiều người viết lên mạng xã hội, một số trang tin online giật tít là “Thành trì chống dịch bị tấn công” hay “Thành trì chống dịch sụp đổ”… Báo SGGP từ chối những từ ngữ đó, dẫu biết tin giật tít như thế có lượt view cao”.
Hiện tại, thành phố triển khai nhiều phương án phòng chống dịch Covid-19, đó là điều mà người làm báo tử tế cần làm, chứ không phải là những cái tít câu view. Đó cũng là sự biểu hiện đạo đức nghề nghiệp, mang tính nhân văn trong cách làm nghề mà đội ngũ Báo SGGP đã hun đúc qua nhiều thế hệ làm báo. Mọi thông tin trên mặt báo phải đúng bản chất sự việc, tử tế trong làm nghề và tử tế với bạn đọc… Và chắc rằng điều này cũng được nhiều đồng nghiệp của chúng tôi ở một số cơ quan báo chí khác đồng tình, có chung quan điểm như vậy!