Ngày hội độc thân (11-11) vừa qua, Black Friday (chương trình giảm giá lớn dịp cuối năm) rục rịch đến…, từ những trang thương mại điện tử, website đến các trang mua bán trên mạng xã hội, mã giảm giá như đang chạy đua với nhau để kích thích người dùng chốt đơn: “Chú ý! Ở đây có mã giảm giá”, “Ai chuẩn bị săn sale 11-11 cẩn thận, phía dưới bình luận có mã giảm giá”…
Dịp cuối năm, các hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm mua sắm online trên mạng xã hội cũng hoạt động liên tục, bài viết hướng dẫn cách đặt hàng vào khung giờ ưu đãi kèm link đến các shop trên các sàn thương mại được các bạn trẻ liên tục quan tâm không ngớt. Người dùng chỉ cần bình luận một dấu chấm (“.”), mã giảm giá, link shop ngay lập tức được gửi vào tin nhắn với đủ lựa chọn từ quần áo, mỹ phẩm đến đồ gia dụng…
Mua vì thích, mua vì nó khác màu với cái áo ở nhà, mua vì chuẩn bị đi sinh nhật..., có đến 1.001 lý do để bạn trẻ đua nhau chốt đơn; nhưng hơn hết là mua vì giảm giá, vì săn sale (săn khuyến mãi). Vì thế mà đơn hàng online mỗi dịp khuyến mãi lại chất chồng, nhưng nhu cầu bản thân thực sự cần chẳng bao nhiêu.
Kể về 5 đơn hàng vừa chốt nhân dịp săn sale ngày 11-11, Phạm Tú Hải (26 tuổi, ngụ quận 7, TPHCM) cho biết: “Dùng tiền mặt thành ra hay tiếc tiền, mua sắm cái gì cũng đắn đo. Bây giờ, trả tiền qua tài khoản ngân hàng, ví điện tử nên tôi hay bị quá tay, thích là mua rồi quét mã thanh toán, đến lúc coi lại tài khoản mới hết hồn. Nhiều khi mua để đó, chứ cả năm trời chưa dùng tới”.
Mua vì cần, mua vì thuận tiện đến “nghiện” lúc nào không hay. Nhiều bạn trẻ dặn lòng không mua, nhưng do hay mua sắm online, tham gia đủ các nhóm săn sale, bây giờ mỗi lần giảm giá là quảng cáo liên tục, muốn làm ngơ cũng khó. Có ưu đãi lên tới 70%, vậy là kệ, cứ mua rồi để đó.
Và những video triệu view (lượt xem) đập hộp hàng hiệu của người nổi tiếng dần trở thành trào lưu đập hộp với nhiều bạn trẻ, từ hàng hiệu tới hàng bình dân, người trẻ đua nhau khoe clip khui hàng. Cứ thế mà vòng tuần hoàn chốt đơn - nhận hàng - đập hộp cứ liên tục, sản phẩm mới ra là phải đập hộp liền cho kịp trào lưu, dù nhiều lúc chẳng biết phải sử dụng món đồ đó cho việc gì.
Mua sắm online không có gì là sai, nó càng thuận tiện trong những tình huống cần thiết như hạn chế tiếp xúc công cộng, buộc phải giãn cách xã hội kéo dài, tuy nhiên từ tiện đến “nghiện” rất gần. Khuyến mãi, hoàn tiền… là những chiêu câu khách của các nhà bán hàng, và vì những con số ưu đãi 50%, 70% mà người trẻ tha về mớ đồ chẳng biết khi nào dùng.