Chiều 6-6, Sở Nội vụ TPHCM phối hợp cùng Học viện Cán bộ TPHCM tổ chức hội thảo khoa học "Công tác tuyển dụng công chức của TPHCM".
Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện TPHCM nhấn mạnh, thời gian qua, công tác tuyển dụng công chức nói riêng và quản lý đội ngũ công chức nói chung được Đảng và Nhà nước quan tâm.
TPHCM đã xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác tuyển dụng công chức theo quy định, hướng dẫn của Trung ương, nhằm hướng tới xây dựng đội ngũ công chức của TPHCM đáp ứng được yêu cầu, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển bền vững của TPHCM trong bối cảnh mới.
Theo PGS.TS Nguyễn Tấn Phát, Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI xác định nhiệm vụ, giải pháp: “Nâng cao chất lượng tuyển dụng công chức, viên chức”; “Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức giỏi về nghiệp vụ, gương mẫu, kiên quyết đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng. Đổi mới công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, gắn với phát huy năng lực cán bộ; nâng cao hiệu quả công tác tuyển chọn, đề bạt cán bộ lãnh đạo, quản lý theo hướng thi tuyển công khai, minh bạch, gắn với xu hướng trẻ hóa và hội nhập. Tiếp tục đẩy mạnh đào tạo, thu hút và trọng dụng nhân tài, vừa chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của TPHCM”.
Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ trên, Sở Nội vụ và Học viện Cán bộ TPHCM tổ chức hội thảo với mong muốn góp phần tổng kết thực tiễn tuyển dụng công chức của TPHCM trong thời gian qua; cung cấp các luận cứ khoa học; cơ sở chính trị, pháp lý để tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả trong tuyển dụng công chức.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến thảo luận mổ xẻ những thuận lợi, khó khăn trong công tác thi tuyển công chức của TPHCM thời gian qua.
Nói về bất cập trong thi tuyển, Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TPHCM Thái Thị Bích Liên nhận xét, văn bản quy định về tuyển dụng công chức được ban hành với số lượng lớn nhưng các nội dung phản ánh về việc tuyển dụng công chức được quy định chung chung, định tính, thiếu định lượng, thiếu tính toàn diện.
Trong khi đó, vòng 2 của kỳ thi là vòng thi viết môn chuyên môn nghiệp vụ nhưng chưa có văn bản nào quy định về phạm vi kiến thức cũng như quy định ôn thi cho các thí sinh. Ngoài ra, nội dung thi môn thi kiến thức còn nặng lý thuyết, lý luận, chưa có phần thi đánh giá những kỹ năng chuyên biệt cho từng vị trí.
Theo nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo, việc thi tuyển công chức hiện rất khó tuyển được người tài vào cơ quan Nhà nước, vì phải qua thi tuyển với nhiều thủ tục, trong khi chế độ chính sách chưa hấp dẫn.
Cũng theo bà Phạm Phương Thảo, ngoài các vòng thi tuyển hiện nay, cần có hình thức sát hạch, phỏng vấn theo chuyên môn, đặc thù riêng; đồng thời quan tâm đầu ra cho cán bộ ở cơ sở, cán bộ trẻ.
“Nhiều trường hợp cả đời làm ở xã. Một phần do cán bộ ở trên đưa xuống nên dưới không có “cửa” lên, rất khó khăn cho cán bộ cơ sở”, bà Phạm Phương Thảo nêu thực tế.
Còn theo TS Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, để giải quyết câu chuyện tuyển dụng cán bộ công chức đáp ứng được yêu cầu hiện nay thì việc thi tuyển chỉ là một phần và TPHCM phải xác định được chất lượng cán bộ công chức cần ở mức nào để quyết định tuyển đầu vào.
Ở góc độ thành viên hội đồng thi tuyển, TS Bùi Thị Ngọc Trang, Phó Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM đề xuất có cơ chế bảo lưu kết quả cho thí sinh đạt loại giỏi nhưng không trúng tuyển để bố trí khi có cơ hội; có chế độ tập sự công vụ cho những người có điểm cao để rèn luyện năng lực cốt lõi, qua đó giới thiệu họ vào những vị trí phù hợp hoặc thay thế những vị trí làm việc không hiệu quả.
Ngoài ra, các đại biểu cũng trao đổi, bàn luận về phương hướng, giải pháp đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyển dụng công chức của TPHCM. Trong đó, nhiều ý kiến kiến nghị điều chỉnh, bổ sung một số bước trong thi tuyển như cần thêm bước phỏng vấn trực tiếp; có các quy định, cơ chế riêng để các địa phương chủ động, bổ sung các tiêu chuẩn hoặc lựa chọn phương thức tuyển dụng linh hoạt, phù hợp để đảm bảo tuyển chọn được những nhân sự tốt nhất, phù hợp nhất đối với từng vị trí việc làm trong hệ thống chính trị.
Phát biểu kết luận hội thảo, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Huỳnh Thanh Nhân thông tin, qua thảo luận, các ý kiến đã khẳng định sự cần thiết đổi mới hình thức thi trong thời gian tới để đánh giá năng lực toàn diện của thí sinh. Hội thảo cũng khẳng định phải xây dựng hệ thống đề thi theo từng vị trí việc làm.
Ông Huỳnh Thanh Nhân khẳng định sẽ tiếp thu các ý kiến của đại biểu. Nội dung nào thuộc thẩm quyền của TPHCM, Sở Nội vụ sẽ tổng hợp báo cáo. Nội dung nào không thuộc thẩm quyền, sở sẽ báo cáo, tham mưu TPHCM kiến nghị các bộ, ngành Trung ương.