Thi tuyển lãnh đạo, quản lý 6 cơ quan
Cuối tháng 9-2022, UBND TPHCM ban hành Đề án thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TPHCM. Theo kế hoạch thực hiện đề án này, TPHCM sẽ thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương tại Ban An toàn giao thông, Sở GD-ĐT, Sở Y tế, Sở Công thương, Viện Nghiên cứu phát triển và UBND huyện Hóc Môn. Người được đăng ký dự tuyển là cán bộ, công chức, viên chức, gồm nhân sự tại chỗ, nhân sự từ nơi khác và người được đề cử. Nhóm đăng ký dự tuyển phải nằm trong quy hoạch của chức danh tuyển chọn hoặc tương đương; còn người được đề cử có thể không nằm trong quy hoạch nhưng được cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm đề cử.
Ở vòng 1, thí sinh thi viết kiến thức chung trong 180 phút; nội dung gồm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, hiểu biết về nghiệp vụ chuyên ngành, chức trách nhiệm vụ, quyền hạn của chức danh.
Ở vòng 2, thí sinh thi trình bày đề án trong 70 phút, gồm đánh giá thực trạng, dự báo xu hướng phát triển và đề xuất kế hoạch, giải pháp phát triển cơ quan, đơn vị; chương trình hành động thực hiện các kế hoạch, giải pháp; kỹ năng trình bày, giao tiếp ứng xử, giải quyết tình huống quản lý, phong cách lãnh đạo. Lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh thi tuyển sẽ quyết định chủ đề cụ thể của đề án. Sau hai vòng thi, nếu thí sinh có điểm bằng nhau, Hội đồng thi lấy ý kiến cấp ủy và lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm để quyết định, ưu tiên theo 4 tiêu chí: nữ (với đơn vị chưa có lãnh đạo nữ); người giữ chức vụ cao hơn; chức vụ tương đương thì ưu tiên người giữ chức vụ lâu hơn; nếu không giữ chức vụ lãnh đạo thì ưu tiên người thâm niên lâu hơn.
Việc thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý được UBND TPHCM đưa ra nhằm khắc phục một số hạn chế của công tác cán bộ hiện nay. Đó là việc tuyển chọn lãnh đạo, quản lý hiện thiếu tính cạnh tranh, chưa tạo được động lực cho cán bộ, công chức, viên chức trẻ. Một số cơ quan, đơn vị còn tư tưởng bệnh kinh nghiệm, có lên mà không có xuống, vì vậy một số cán bộ lãnh đạo, quản lý sau khi được bổ nhiệm còn hạn chế về năng lực, thiếu ý chí phấn đấu rèn luyện.
Mặt khác, cơ chế bổ nhiệm, giới thiệu nhân sự, tiêu chí đánh giá cán bộ vẫn còn những hạn chế, chưa phát hiện, trọng dụng hết những người có tài năng, phẩm chất tốt để giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Lãnh đạo Sở Nội vụ TPHCM cho biết, việc thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý đang nhận được sự hưởng ứng từ nhiều cơ quan, đơn vị. Đến nay, đã nhiều đơn vị có nhu cầu đăng ký được thi tuyển các chức danh.
Sẵn sàng nhận người giỏi
Theo Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Huỳnh Thanh Nhân, thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý là một trong những cách tìm kiếm và giữ chân người giỏi trong khu vực công. Cụ thể, trước tình trạng hơn 6.000 cán bộ, công chức nghỉ việc trong hai năm rưỡi vừa qua (nguyên nhân từ cá nhân, áp lực công việc, cơ hội thăng tiến), TPHCM đang xây dựng đề án khắc phục. Trong đó có những nội dung liên quan đến nâng cao thu nhập, cơ hội thăng tiến, thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý.
Thực tế cho đến nay, đã có một số địa phương trong cả nước thực hiện việc thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý. TP Hà Nội vào tháng 1 năm nay đã ban hành Đề án thí điểm thi tuyển chức danh trưởng phòng, chi cục trưởng, thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc sở, ban ngành; UBND quận, huyện, thị xã và đơn vị sự nghiệp thuộc UBND TP Hà Nội.
Hầu hết ý kiến chuyên gia nhìn nhận tích cực về việc thi tuyển này, cho rằng đây là cách làm có thể mang đến làn gió mới tích cực hơn cho khu vực công, góp phần cải cách chế độ công vụ. Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng, các tiêu chí đưa ra hiện vẫn coi trọng yếu tố quy hoạch, thâm niên mà chưa thực sự đột phá để tuyển được nhân tố mới. Về lâu dài, TPHCM nên nghiên cứu quy định để mở rộng đối tượng có thể tham gia thi tuyển, bên cạnh đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức như hiện nay.
TPHCM đặt mục tiêu hoàn thành việc thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý trong tháng 11-2022. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan bày tỏ mong muốn nhận được các góp ý hoàn thiện quy trình để TPHCM thực hiện tốt hơn việc thi tuyển. Từ thi tuyển lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương, việc thi tuyển sẽ dần được mở rộng, trở thành điều kiện để bổ nhiệm thì công việc này sẽ dần bài bản hơn. Từng cơ quan cũng phải chủ động để tạo nguồn ứng tuyển, hoặc giới thiệu nhân sự đủ chất lượng tham gia ứng tuyển.
Hội đồng thi tuyển chức danh cấp sở, huyện tối đa 17 người, gồm Chủ tịch UBND TPHCM làm chủ tịch; hai phó chủ tịch gồm Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TPHCM phụ trách đơn vị có chức danh thi tuyển; mời 1-4 chuyên gia, nhà quản lý (nếu cần). Với thi tuyển chức danh cấp phòng, hội đồng thi do lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm người trong tổ chức, tối đa 11 người, có thể mời thêm chuyên gia. Thành viên hội đồng thi không có quan hệ gia đình với ứng viên, không là người đang bị xem xét xử lý hoặc thi hành kỷ luật. |