Trong nỗ lực nâng chất cán bộ, nhiều đơn vị, địa phương trên cả nước, trong đó có TPHCM đã thực hiện nhiều giải pháp, như đổi mới công tác tuyển chọn (qua thi tuyển) và cách thức đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý. Kết quả là xây dựng được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nói chung và cán bộ lãnh đạo, quản lý qua thi tuyển nói riêng có bản lĩnh chính trị, chuyên môn vững vàng cùng tư duy đổi mới và năng động, đáp ứng nhiệm vụ.
Ở TPHCM, nơi có nhiều đổi mới trong công tác cán bộ, nhưng vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Trong buổi làm việc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với TPHCM mới đây, TPHCM thông tin về những điểm sáng, tích cực nhưng vẫn thẳng thắn đề cập đến những hạn chế, yếu kém, nhất là kinh tế tăng trưởng thấp, phát triển chưa bền vững; vai trò trách nhiệm và bản lĩnh người đứng đầu ở một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Vẫn còn những cán bộ thiếu quyết tâm đột phá, sáng tạo và chưa phát huy tính tiên phong, gương mẫu, vẫn còn e ngại, sợ sai, chưa mạnh dạn dám nghĩ, dám làm…
Trong khi hiện nay, TPHCM đang tập trung thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, với nhiều nhiệm vụ “chưa có trong tiền lệ” và được phân cấp mạnh mẽ, để TPHCM phát huy vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước.
Tại hội thảo tham vấn định hướng phát triển kinh tế - xã hội TPHCM giai đoạn 2026-2030 hôm 24-8, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chia sẻ, TPHCM kiên trì mức tăng trưởng kinh tế khoảng 9%/năm trong giai đoạn 2025-2030, để góp phần cùng cả nước vượt bẫy thu nhập trung bình.
Tận dụng hiệu quả Nghị quyết 98 hay chạm đích mục tiêu tăng trưởng kinh tế với mức cao như trên đều là những nhiệm vụ đầy thách thức. Để đạt được, TPHCM sẽ thực hiện hàng loạt công việc, trong đó không thể không quyết liệt cải cách bộ máy và nâng cao năng lực, bản lĩnh của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Mở rộng thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng là giải pháp cụ thể góp phần thực hiện mục tiêu đó.
Việc đổi mới phương thức tuyển chọn đầu vào này vừa thể hiện được sự minh bạch, công khai, dân chủ, vừa tránh tư tưởng “có lên, không có xuống”, để cán bộ dù đã được giữ lãnh đạo, quản lý vẫn luôn tiếp tục phấn đấu, rèn luyện.
Thi tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý là chủ trương chung từ Trung ương, nhằm phát hiện, trọng dụng người có đức, có tài để đóng góp sức lực, trí tuệ cho sự phát triển bền vững của đất nước. Chủ trương này đã được nêu rõ trong Nghị quyết 17-NQ/TW (năm 2007) về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước, hay Thông báo số 202-TB/TW về kết luận của Bộ Chính trị năm 2015 về Đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng”…
Vấn đề hiện nay là, từ kết quả tích cực của việc thí điểm, cần sớm mở rộng thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, và đó cũng là xu hướng tất yếu!