Ồ ạt tin vui
Đánh giá về thị trường xuất khẩu, Bộ Công thương cho rằng, với 13 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, cánh cửa xuất khẩu tại nhiều thị trường trọng yếu đã mở toang cho hàng Việt vào. Đặc biệt, với EVFTA, những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như nhựa, dệt may, da giày, nông thủy hải sản… gần như không còn đối thủ cạnh tranh về giá thành. Bởi, thuế xuất khẩu một số hàng hóa Việt Nam ngay lập tức về 0% hoặc theo lộ trình 3 năm đến 7 năm tiếp theo. Trong khi đó, những hàng hóa xuất khẩu cùng loại ở các quốc gia khác chưa ký FTA với EU đang phải chịu thuế 3%-22%. Mức thuế xuất khẩu sẽ còn cao hơn, thậm chí lên đến 100% nếu những sản phẩm của các quốc gia đó bị điều tra phòng vệ thương mại và áp thuế chống bán phá giá.
Ghi nhận thực tế cho thấy, từ đầu tháng 9 đến nay, rất nhiều tin vui liên tiếp đã đến với các DN xuất khẩu Việt Nam. Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau củ quả Việt Nam, hồ hởi chia sẻ, không chỉ đơn hàng xuất khẩu được nối lại ở nhiều thị trường trên thế giới mà nhiều lô hàng đã đáp ứng tiêu chí xuất xứ và được hưởng ưu đãi thuế xuất khẩu 0%. Đơn cử như lô hàng 100 tấn chanh leo của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao xuất sang Hà Lan được hưởng thuế xuất 0% (áp dụng theo quy định EVFTA). Hay như trường hợp Công ty Vina T&T Group xuất khẩu thành công đơn hàng 20.000 quả dừa tươi vào thị trường châu Âu với thuế xuất khẩu 0%...
Cũng theo ông Bình, nội lực của các DN trong nước đã không ngừng gia tăng trong những năm gần đây. Thời điểm cuối năm 2019, Việt Nam được xếp tốp 10 quốc gia có kim ngạch xuất khẩu lớn trên thế giới. Tại những thị trường chiến lược, truyền thống của Việt Nam như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… hàng Việt luôn có thị phần tiêu thụ ổn định và không ngừng tăng trưởng qua các năm. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng đã có sự chuyển đổi, từ chủ yếu xuất khẩu thô sang xuất khẩu có thương hiệu và giá trị gia tăng cao.
Riêng từ đầu năm đến nay, tuy tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, đơn hàng xuất khẩu gián đoạn tại nhiều thị trường nhưng các DN vẫn duy trì năng lực xuất khẩu của mình. Đại diện Bộ Công thương cho biết, tính chung 9 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 202,86 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Hiện có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, đặc biệt có 5 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD. Cụ thể, điện thoại và linh kiện đạt 36,7 tỷ USD; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 32,2 tỷ USD; hàng dệt may đạt 22,1 tỷ USD; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 18,2 tỷ USD và giày dép đạt 12,1 tỷ USD. Điều đáng nói, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm ghi nhận sự gia tăng mạnh khối DN trong nước khi đạt 71,83 tỷ USD, tăng mạnh 20,2% và chiếm 35,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 131,03 tỷ USD, giảm 2,9%, chiếm 64,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Để có những kết quả trên, các DN trong nước đã có sự đầu tư rất kỹ cho việc gia nhập thị trường khó tính. Ngoài việc đầu tư đổi mới dây chuyền, công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm thì trình độ quản trị sản phẩm từ khâu nguyên liệu đầu vào đến tận tay người tiêu dùng rất được chú trọng. Đại diện Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cho biết, công ty đã phải thiết lập vùng trồng nguyên liệu chanh dây tại Gia Lai theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Ngoài ra, sản phẩm được quản lý chặt từ khi trồng, thu hoạch, chế biến đến khâu vận chuyển và đến tận tay người tiêu dùng. Người tiêu dùng có thể truy xuất được nguồn gốc chất lượng sản phẩm thông qua bao bì. Công ty Vina T&T Group cho biết thêm, ngoài những yếu tố trên, các nhà máy chế biến, đóng gói trái cây còn áp dụng tiêu chuẩn như ISO, HACCP. Đặc biệt, để chắc chân tại thị trường khó tính, công ty phải tập trung phát triển các sản phẩm chế biến sâu.
Chuẩn bị giải “nén” sức mua
Ngành nông nghiệp có nhiều lợi thế do có nguồn nguyên liệu tại chỗ, nhưng với những ngành xuất khẩu chủ lực khác thì không được thuận lợi như vậy. Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa TPHCM cho biết, ngành nhựa vốn có nhiều cơ hội xuất khẩu vào EU do được hưởng thuế xuất khẩu ưu đãi 0% từ ngày 1-8-2020. Tại thị trường Hoa Kỳ, hàng Việt đang chiếm ưu thế do có giá thành cạnh tranh cao. Thế nhưng các DN vẫn luôn gặp khó do phần lớn nguyên liệu phải nhập khẩu từ Iran, Thái Lan… Từ đầu năm đến nay, nguồn nguyên liệu nhập khẩu liên tục bị gián đoạn, giá thành cũng tăng mạnh 10%-30%. Nguồn nguyên liệu từ khu vực Trung Đông - vốn rẻ và dồi dào thì lại gặp khó trong khâu thanh toán. Điều này đã làm mất nhiều cơ hội phát triển thị trường của DN.
Nhìn nhận về xu hướng phát triển thị trường xuất khẩu trong thời gian tới, nhiều DN cho rằng sức tiêu thụ trên thị trường đang bị nén chặt. Do đó, ngay khi dịch được kiểm soát sẽ có sự “bùng nổ” về sức mua của người dân trên toàn cầu. Đây chính là cơ hội để DN trong nước đẩy mạnh xuất khẩu, phục hồi nhanh nội lực sản xuất nếu có sự chuẩn bị tốt ngay từ bây giờ.
Theo đó, về phía DN cần nhanh chóng cải thiện công nghệ sản xuất, chuẩn bị nguồn nguyên liệu, trong đó ưu tiên nguồn nguyên liệu nội địa, đảm bảo đủ sức cung ứng những đơn hàng lớn nhưng đòi hỏi thời gian giao hàng nhanh. Về phía Ngân hàng Nhà nước phải tính đến việc tăng tỷ lệ dự trữ ngoại hối nhằm đáp ứng nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu tăng cao ngay khi các nước kiểm soát được tình hình dịch, dự kiến là giữa năm 2021. Đặc biệt, tại khâu thông quan, hệ thống điện tử hóa phải được áp dụng triệt để nhằm rút ngắn thời gian, tạo cơ hội cho DN đưa nhanh nguồn nguyên liệu nhập khẩu vào sản xuất, cũng như hàng hóa ra thị trường xuất khẩu.
Đối với Bộ Công thương, các DN cho rằng, hiện bộ đã bố trí nhiều tham tán thương mại tại các thị trường xuất khẩu, nhưng vai trò định hướng thị trường của các đơn vị này còn khá mờ nhạt. Do vậy, cần phải đẩy mạnh những hoạt động khảo sát, nắm bắt xu hướng tiêu dùng thị trường xuất khẩu. Từ đó, có những định hướng chính xác để rút ngắn thời gian gia nhập thị trường cho DN xuất khẩu. |