Phát biểu tại diễn đàn, các chuyên gia cho rằng, thị trường vốn của Việt Nam hiện nay đang tồn tại bất cập rất lớn, đó là sự “lệch pha” giữa các kênh huy động vốn.
Theo Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà, mục tiêu xuyên suốt mà NHNN đặt ra trong điều hành chính sách tiền tệ là xử lý hài hòa nhiều mục tiêu như vừa hỗ trợ kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19 mà vẫn đảm bảo kiểm soát lạm phát trong bối cảnh giá cả, lạm phát toàn cầu tăng cao; vừa giảm áp lực mất giá mạnh của đồng Việt Nam mà vẫn phải giữ ổn định mặt bằng lãi suất; vừa đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng trong khi vẫn phải đảm bảo nhu cầu tín dụng cho nền kinh tế, đồng thời triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn. Đồng thời, NHNN tiếp tục triển khai quyết liệt đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” nhằm tăng cường khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, qua đó bảo đảm thị trường tiền tệ, ngân hàng hoạt động an toàn, thông suốt và bền vững.
mTính đến nay, NHNN đã có văn bản chấp thuận tăng vốn điều lệ đối với 21 ngân hàng thương mại (NHTM) gồm: VPBank, HDBank, MB, SeABank, ACB, VIB, TPBank, LienVietPostBank, BacA Bank, VietA Bank, NamA Bank, VietBank, Techcombank, Eximbank, OCB, ABBank, SHB, VietCapital Bank, MSB, NCB, và KienLongBank. Việc tăng vốn điều lệ này chủ yếu đến từ lợi nhuận để lại và các quỹ dự trữ. Ngoài ra, các NHTM có vốn Nhà nước cũng đã xây dựng phương án tăng vốn điều lệ và hiện NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ.
Như vậy sau khi tăng vốn, 25 NHTM sẽ nâng tổng vốn điều lệ hiện khoảng 590.000 tỷ đồng lên hơn 743.000 tỷ đồng. Việc tăng vốn điều lệ là cần thiết, giúp ngân hàng củng cố tiềm lực tài chính, gia tăng nguồn vốn trung - dài hạn để mở rộng hoạt động kinh doanh, bảo đảm hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy định của các cơ quan chức năng, đáp ứng kế hoạch tăng trưởng liên tục hàng năm.