Nỗi lo mất thuê bao
Theo quyết định của Bộ TT-TT, từ ngày 1-1-2018 sẽ bắt đầu áp dụng chính sách chuyển mạng giữ số. Theo kế hoạch, quá trình thử tải chuyển mạng giữ số sẽ diễn ra vào ngày 15-12 tới dưới sự điều hành của Trung tâm Chuyển mạng quốc gia. Điều này cũng có nghĩa sẽ chỉ có 2 tuần để các nhà mạng giải quyết vấn đề nếu có sự cố phát sinh.
Có một thực tế là các nhà mạng đang có tâm lý e dè sợ mất thuê bao, nhất là những mạng nhỏ. Bởi những nhà mạng có lợi thế để áp dụng chính sách chuyển mạng giữ nguyên số gồm 3 yếu tố chính là hạ tầng, giá cước và chăm sóc khách hàng. Thế nhưng, các nhà mạng nhỏ thì chỉ có được chính sách về giá cước trong khi gặp khó khăn lớn về yếu tố hạ tầng. Việc đầu tư cho hệ thống chuyển mạng giữ nguyên số cũng là một khó khăn cho các nhà mạng nhỏ, trong bối cảnh các nhà mạng này đang chật vật tại thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, đây không phải nguyên nhân chính dẫn đến việc các nhà mạng nhỏ chưa tham gia áp dụng chính sách này, mà có lẽ họ lo ngại thuê bao của họ sẽ chuyển sang các nhà mạng lớn khi tham gia cuộc chơi này.
Trong khi đó, ở nhiều phân khúc và địa bàn khác nhau, bản thân các nhà mạng lớn như Viettel, VinaPhone và MobiFone cũng sợ mất thuê bao của mình. Thông thường trên thế giới số lượng thuê bao “nhảy mạng” khi áp dụng chính sách chuyển mạng giữ nguyên số khoảng 8%-10%. Nhà mạng nhỏ chịu áp lực lớn và “thua thiệt” trong cuộc đua này đã đành, nhưng nếu các nhà mạng lớn không chuẩn bị kỹ càng thì chỉ có thuê bao “nhảy đi” mà không kéo được thuê bao “nhảy về”. Đó chính là lý do khiến trong nhiều tháng qua, một cuộc chạy đua quyết liệt giữa 3 nhà mạng lớn đã diễn ra, nhằm “giữ chân” lượng thuê bao của mình!
Cuộc đua 4G và dịch vụ nội dung
Từ cuối năm 2016, sau khi chính thức được cấp phép, 3 nhà mạng VinaPhone, Viettel và MobiFone đã cung cấp dịch vụ 4G cho khách hàng của mình. Một cuộc chạy đua về xây dựng hạ tầng, mạng lưới và các dịch vụ 4G đã diễn ra giữa 3 nhà mạng này.
Theo kết quả khảo sát của IDG từ gần 14.000 người tham gia giữa năm 2017, Viettel hiện chiếm tới 52% thị phần 4G, tiếp theo là MobiFone với 21% và VinaPhone với 27%.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, Viettel cho biết đã triển khai xong 4G trên toàn bộ lãnh thổ với 36.000 trạm thu phát sóng 4G. VinaPhone cũng đã triển khai 4G trên khắp toàn quốc, nhưng số lượng trạm 4G còn ít hơn, theo kế hoạch đến cuối 2017 sẽ đạt 21.000 trạm. MobiFone triển khai chậm hơn, lúc đầu mới chỉ có những trung tâm đông dân cư, thành phố. MobiFone cho biết sẽ triển khai 30.000 trạm 4G trong năm 2017. Trong khi đó, dù có giấy phép 4G, đã hơn 1 năm, nhưng mạng Gtel vẫn “im hơi lặng tiếng” với dịch vụ này.
Với mạng Vietnamobile, dù không có giấy phép 4G, nhưng trong năm vừa qua đã mới được “bơm” thêm gần nửa tỷ USD và đang đồn dập xây dựng hạ tầng 3G trên toàn quốc, đồng thời hy vọng sẽ sớm được cấp giấy phép 4G bổ sung.
Có thể thấy rõ, 4G đang là “quân bài then chốt” trong cuộc đua giữa các nhà mạng hiện nay. Với 4G, hàng loạt dịch vụ nội dung số và data được các nhà mạng tung ra để “giữ chân” thuê bao của mình, cũng như “chào mời thuê” bao mới.
Mới đây, cả Viettel, VinaPhone và MobiFone đều tung ra gói cước data cực khủng cho thuê bao 4G của mình. Theo đó, chỉ mất từ 90.000-100.000 đồng/tháng, mỗi thuê bao sẽ có 2GB data mỗi ngày, kèm theo đó là một lượng tin nhắn và thời gian gọi miễn phí.
Chưa bao giờ, cước data ở Việt Nam lại rẻ như bây giờ. Thậm chí VinaPhone còn giảm tới 95% cước data roaming cho thuê bao mở mạng khi ra nước ngoài. Viettel cũng đang áp dụng chính sách này với một số thị trường trọng điểm. Hàng loạt gói cước, dịch vụ nội dung trên nền tảng 3G, 4G cũng được các nhà mạng giảm giá, tung ra trong thời gian qua.
Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục PTTH-TTĐT (Bộ TT-TT), khi tiến hành thí điểm việc chuyển mạng giữ số tại Việt Nam, các nhà mạng cần phát triển giá trị gia tăng về nội dung để giữ chân các thuê bao cũ và khuyến khích thuê bao đổi mạng. Do đó, cần có biện pháp để quản lý vấn đề thanh toán game trực tuyến, bản quyền và giúp các hệ sinh thái hòa lại với nhau. Điều này là để giữ được và phát triển tài nguyên nội dung trong nước thay vì để “chảy máu” sang những dịch vụ nước ngoài như Facebook và YouTube. Nếu không giải quyết dứt điểm tình trạng trên, chúng ta sẽ vẫn lại đi làm thuê cho nước ngoài như trước.
Áp lực về chuyển mạng giữ số cũng như cuộc đua về hạ tầng mạng, dịch vụ nội dung, nhất là 4G đang ngày càng gia tăng trước thời điểm 1-1-2018. Và chắc chắn, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi nhiều từ những cuộc đua này.
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, khẳng định chuyển mạng giữ số sẽ thúc đẩy tính cạnh tranh của thị trường viễn thông, bảo vệ người dùng. Dịch vụ này sẽ khiến các nhà mạng đứng trước nguy cơ bị mất thuê bao vào tay đối thủ nếu chất lượng dịch vụ họ cung cấp không đảm bảo hoặc chỉ chất lượng dịch vụ không phù hợp với nhu cầu của người dùng. Điều này khiến các nhà cung cấp dịch vụ phải đưa tiêu chí chất lượng và công tác chăm sóc khách hàng lên hàng đầu; phải thực sự đầu tư thiết bị, cải tiến công nghệ để cải thiện chất lượng, đa dạng hóa dịch vụ cung cấp, liên tục đưa ra các các thông báo, số liệu chứng minh chỉ tiêu kỹ thuật mạng lưới của mình đạt và vượt mức quy chuẩn, thông qua đó chứng minh được dịch vụ do họ cung cấp có chất lượng cao.
“Như vậy người được hưởng lợi chính là các thuê bao di động, họ được sử dụng dịch vụ với chất lượng tốt hơn, phù hợp hơn với nhu cầu của mình”, ông Nhã nhấn mạnh.