Chia sẻ thông tin tại diễn đàn, ông Trần Phương Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển tổ yến Việt Nam, cho biết, phía khách hàng Trung Quốc đặc biệt đánh giá cao sản phẩm tổ yến Việt Nam. Ngay khi có thông tin tổ yến Việt Nam có thể xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, các đối tác ở Trung Quốc liên tục đề nghị cung cấp hồ sơ để hỗ trợ. Phía bạn rất mong chờ được nhập khẩu sản phẩm tổ yến theo con đường chính ngạch. Do đó, doanh nghiệp này kiến nghị các cơ quan quản lý của Bộ NN-PTNT đẩy nhanh tốc độ hỗ trợ; Văn phòng SPS Việt Nam hướng dẫn đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu yến trên hệ thống đăng ký theo Lệnh 248 và hướng dẫn quản lý an toàn thực phẩm theo Lệnh 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Đại diện doanh nghiệp cũng kiến nghị Cục Chăn nuôi, Cục Thú y hướng dẫn thủ tục hồ sơ đăng ký nhà yến và xưởng sơ chế yến.
Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết, hiện nay Cục đã hoàn thành nhiệm vụ quan trọng là hướng dẫn cấp mã số cho các nhà yến cũng như các hang yến để thực hiện kiểm soát theo đúng yêu cầu của Trung Quốc và sẽ trình Bộ NN-PTNT ban hành trong tuần tới. Các cơ sở nuôi yến cần đăng ký theo quy định, các cơ sở xuất khẩu yến phải nằm trong vùng quy hoạch nuôi chim yến theo quy định, các sản phẩm tổ yến phải đảm bảo quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch, điều kiện chăn nuôi. Khi các cơ sở đã đáp ứng được yêu cầu, cần đăng ký trên hệ thống cơ sở dữ liệu của Cục Chăn nuôi. Dựa theo hồ sơ và tài liệu, Cục sẽ xem xét cấp mã số cho các nhà yến và các cơ sở đăng ký xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc. Những mã số này là cơ sở làm hồ sơ để trình Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Theo Bộ NN-PTNT, Nghị định thư xuất khẩu tổ yến chính ngạch sang Trung Quốc giữa Bộ NN-PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc về các yêu cầu kiểm dịch, kiểm tra và vệ sinh thú y đối với sản phẩm tổ yến đã có hiệu lực từ ngày 9-11-2022 và kéo dài 5 năm (tự động gia hạn mỗi 5 năm tiếp theo nếu không có vi phạm và đề nghị chấm dứt của một trong hai bên).