Tiếp tục danh sách tranh triệu đô
Tại phiên đấu giá diễn ra tại Nhà đấu giá Sotheby’s Paris vừa qua, bức sơn dầu Les Chanteuses de Campagne (Người hát dân ca) của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh đã được gõ búa với mức giá 1,02 triệu EUR (khoảng 1,09 triệu USD) gồm thuế phí, và trở thành kỷ lục giá triệu đô đầu tiên của thị trường tranh Việt năm 2024.
Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh được biết đến như một bậc thầy về tranh lụa, ông cũng đã khéo léo ứng dụng kỹ thuật vẽ lụa qua phương tiện sơn dầu trên toan với Người hát dân ca. Bức tranh bản lề này được thầy Victor Tardieu (hiệu trưởng đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương) tuyển lựa gửi đi tham dự Đấu xảo Thuộc địa 1931 tại Paris. Sau đó, bức tranh được cặp vợ chồng bác sĩ Pháp sưu tập và lưu giữ suốt ba thế hệ, cho đến khi được Sotheby’s giới thiệu ra công chúng sau gần một thế kỷ.
Theo Ace Lê (Giám đốc điều hành tại thị trường Việt Nam của nhà Sotheby’s) phân tích: “Với mức giá này, Người hát dân ca đã lọt tốp 20 tranh Việt đắt giá nhất mọi thời đại, đứng ở vị trí thứ 15, bên cạnh các tác phẩm khác của Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Quốc Lộc, Phạm Hậu, Tô Ngọc Vân và Vũ Cao Đàm. Và đây là tác phẩm thứ hai của Nguyễn Phan Chánh đạt mốc triệu đô, sau bức tranh lụa Les Couturières (Những cô thợ may), vẽ năm 1930, được gõ búa 1,39 triệu USD năm 2020.
Các tác phẩm Việt đáng chú ý khác trong cùng phiên Sotheby’s Paris vừa qua bao gồm: Parfum de fleurs (Hương hoa), do họa sĩ Lê Phổ sáng tác khoảng năm 1940, được gõ búa với mức giá 288.000EUR; La fenêtre (Bên cửa sổ), Mai Trung Thứ, năm 1952, 84.000EUR; Buste de jeune indo-chinois (Chân dung chàng trai Đông Dương), Vũ Cao Đàm, năm 1934, 60.000EUR; Paysage au Nord du Vietnam (Phong cảnh Bắc kỳ), nhóm sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương, năm 1945, 72.000EUR.
Như vậy, tính từ 2019 đến nay, năm nào tranh Việt trong các phiên đấu giá quốc tế cũng có ít nhất 1 giao dịch gõ búa triệu đô. Trong tốp 20 tranh Việt có giá cao nhất, Sotheby’s củng cố vị trí dẫn đầu khi đã triển khai 10 giao dịch (bao gồm cả 4 giao dịch cao nhất), kế đến là Christie’s (5), Bonhams (2), Aguttes (1), Millon (1) và Drouot (1). Và nhà đấu giá Sotheby’s cũng đang nắm giữ cả 3 kỷ lục triệu đô trong năm 2023 và 2024.
“Ông lớn” vào thị trường nội địa
Tuy nhiên, ngược với sự sôi động của các phiên gõ búa triệu đô kể trên, các giao dịch tranh Việt khác lại khá trầm lắng. Nhà sưu tập - cố vấn đầu tư nghệ thuật Nguyễn Đức Tiến phân tích: “Tranh của các họa sĩ Đông Dương sống ở nước ngoài thì luôn sẵn có, giá cao. Tranh của họa sĩ Đông Dương sống trong nước thì lại thiếu hụt khá lớn, hoặc chủ yếu là những tấm chất lượng trung bình. Trong khi đó, các dòng tranh Việt khác chưa thực sự gây được tiếng vang, tạo sự chú ý nên ít đến được các nhà đấu giá lớn.
Tiêu biểu như trong phiên đấu giá kỷ niệm 50 năm của nhà Sotheby’s tại Hồng Công, tranh của các danh họa sống trong nước gần như vắng bóng hoàn toàn. Khá nhiều phiên của Nhà Millon (Pháp) tranh Đông Dương có chất lượng cao thiếu, giám tuyển phải đưa thêm tranh các họa sĩ đương đại vào đấu như Phan Cẩm Thượng, Lê Thiết Cương...”.
Để tăng số lượng tác phẩm tranh Việt cho các phiên đấu giá, nhiều “ông lớn” trong thị trường đầu tư nghệ thuật trên thế giới, bắt đầu đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam. Tháng 3-2023, Nhà đấu giá Sotheby’s đã bổ nhiệm giám tuyển Ace Lê trở thành giám đốc thị trường Việt Nam, đây là lần đầu tiên, sàn đấu giá quốc tế bổ nhiệm giám đốc thị trường riêng cho tranh Việt là người Việt Nam. Tháng 4 năm nay, đến lượt Nhà đấu giá Millon chính thức mở văn phòng đại diện tại Hà Nội với tên gọi Millon Việt Nam và bổ nhiệm ông Hoàng Duy Cương ở vị trí giám đốc.
Ngay sau đó, Millon đã trở thành nhà đấu giá đầu tiên ở Việt Nam tổ chức phiên đấu giá duplex song song cùng lúc cả hai đầu cầu Việt Nam và Pháp do ông Alexandre Millon (Chủ tịch Nhà đấu giá Millon) điều hành trực tiếp đầu cầu tại Hà Nội vào tháng 4 vừa qua. Phiên đấu chuyên đề Nghệ thuật Việt Nam đã thu về kết quả bất ngờ với mức giao dịch lên đến hơn 1,8 triệu EUR trong toàn phiên.
Những con số đưa ra đã một lần nữa khẳng định trị giá và giá trị nghệ thuật Việt, cũng như sức hút của thị trường đầu tư nghệ thuật đang “nóng” dần sau những bước đi chậm.
Ngày 18-6, Nhà đấu giá Millon đã tổ chức phiên đấu đặc biệt với chỉ một tác phẩm duy nhất là bức tranh lụa Tình mẫu tử của họa sĩ Lê Phổ, sáng tác trong khoảng 1935-1945. Phiên đấu diễn ra theo hình thức duplex, song song Việt Nam - Pháp, mức giá ban đầu được ước tính là 200.000 - 300.000EUR, tuy nhiên bức tranh đã có mức gõ búa lên đến 400.000EUR (khoảng 10 tỷ đồng).