Những con số ấn tượng
Đại diện đơn vị đấu giá Le Auction House, ông Lê Quang, cho biết: “Phiên đấu giá kết hợp 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến tại Vương quốc Anh qua website của đơn vị tổ chức. Qua 2 ngày đấu giá, có 76,3% số lô được đấu giá thành công qua website và 23,6% đấu thành công qua điện thoại… Có thể thấy, các nhà sưu tập tham gia đấu giá trực tuyến khá nhiều và thanh khoản của thị trường nghệ thuật hiện tại có nhiều tín hiệu lạc quan trong những quý cuối năm nay”.
Các tác phẩm được gõ búa với mức giá đáng kể qua 2 ngày đấu giá có thể kể đến, như bức tranh Thiếu nữ cầm quạt (40,8 x 23cm) của họa sĩ Lê Phổ đạt 150.000 USD; bức Trong vườn (65 x 50cm) cũng của họa sĩ Lê Phổ gõ búa ở mức giá 95.000 USD… Hay bức tranh được đơn vị đấu giá chọn đặt làm ảnh đại diện, Bến thuyền (56 x 116cm) của họa sĩ Lương Xuân Nhị, được gõ búa giá 240.000 USD. Không có tác phẩm đạt giá triệu USD qua phiên đấu giá được đơn vị tổ chức nhận định ngay từ đầu, bởi số lượng tác phẩm tham gia nhiều nhưng tác phẩm ở mức vừa phải, không quá hiếm hay lần đầu xuất hiện. Tuy nhiên, kết quả thu về với hơn 70% tác phẩm giao dịch thành công có thể nói là con số đáng ghi nhận cho một phiên đấu giá do đơn vị trong nước tổ chức.
Theo giới sưu tập, trong 2 năm qua, thị trường tranh, nhất là phân khúc tranh Đông Dương (tranh của các thế hệ họa sĩ thuộc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương) đang “đi ngang”, thậm chí là sụt giảm. Trước đó, số lượng tranh Việt được gõ búa đạt triệu USD là giai đoạn 2020-2021. Cụ thể, năm 2020, có 4 tác phẩm đạt khung giá triệu USD; năm 2021 có 9 tác phẩm. Nhưng qua năm 2022 chỉ có 3 tác phẩm; năm 2023 giảm xuống 2, và từ đầu năm đến nay mới chỉ có 1 tác phẩm.
Chờ sự bứt phá
Từ góc nhìn của Giám đốc Thị trường Việt Nam của nhà đấu giá Sotheby’s, giám tuyển Ace Lê chia sẻ: “Trong khu vực, các nhà sưu tập ở Đông Nam Á rất thích chủ đề Đông Dương vì họ cũng từng phải chia sẻ một lịch sử thuộc địa với nước ta. Còn các nhà sưu tập ở khối đồng văn (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore...) thì rất thích mỹ cảm của tranh Đông Dương, vốn là một sự kết hợp giữa hội họa phương Tây và hội họa phương Đông”.
Nhìn rộng ra khu vực, thật ra kỷ lục đạt 3 triệu USD cho bức Chân dung cô Phượng của Mai Trung Thứ hay 1 triệu USD cho Người hát dân ca của Nguyễn Phan Chánh vẫn là thấp so với các danh họa hiện đại trong khu vực Đông Nam Á. Thị trường nghệ thuật của Việt Nam vẫn đi sau Indonesia hoặc Philippines về nhiều mặt, chứ chưa nói đến Singapore hay Trung Quốc. Với sự tham gia của giới sưu tầm ở Việt Nam lẫn khu vực, giám tuyển Ace Lê dự đoán, tranh Đông Dương sẽ còn tiếp tục tự phá kỷ lục về giá.
Qua các phiên đấu giá quốc tế về tranh Việt, thị trường giao dịch “chững” lại là một điều nhìn thấy rõ. Điều này được lý giải khi kinh tế gặp nhiều khó khăn, dòng tiền trở nên yếu hơn thì với sưu tập nghệ thuật, vốn là khoản tiêu dùng không cấp thiết, người sưu tập sẽ cân nhắc hơn. Trong đó, thị trường nghệ thuật cao cấp vốn thuộc phân khúc xa xỉ phẩm, liên quan mật thiết tới tệp khách hàng ở đỉnh kim tự tháp kinh tế. Nhiều nhà đầu tư nghệ thuật cho rằng, phải từ năm 2025 trở đi, thị trường tranh Việt mới bắt đầu hồi phục theo đà của dự toán tăng trưởng kinh tế nói chung. Nhưng hiện tại, với những tín hiệu lạc quan hứa hẹn sự phục hồi của thị trường, giới chuyên môn hy vọng có những bứt phá triệu USD cho các tác phẩm tranh Việt.
Ông Lê Quang, đại diện nhà đấu giá Le Auction House, chia sẻ: “Qua phiên đấu giá “Nghệ thuật Việt Nam thế kỷ 20”, chúng tôi cũng rút kinh nghiệm là sẽ cắt giảm hoạt động đấu giá vào tháng 7, tháng 8. Bởi đây là thời gian ở Việt Nam và thế giới đều đang trong kỳ nghỉ hè, lượng khách quốc tế rất thấp, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng phiên đấu”.